Dự án bỏ hoang vì thỏa thuận bất thành
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhận định: quyền thu hồi đất của Nhà nước đang bó hẹp khi chỉ áp dụng với dự án mục đích an ninh quốc phòng, dự án trọng điểm, mục đích công ích mà thiếu sự “điều tiết” đối với các dự án phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn tới hệ lụy là việc thu hồi đất phục vụ sản xuất kinh doanh gặp khó.
Bất cập ở chỗ doanh nghiệp (DN) phải tự thỏa thuận mức giá bồi thường với người dân, trong khi người dân đòi mức bồi thường cao hơn nhiều so với thị trường. Thỏa thuận không thành dẫn đến thời gian triển khai dự án kéo dài nhiều năm, thậm chí không ít dự án đã bị DN bỏ hoang sau khi thỏa thuận với dân thất bại.
Kết quả tham vấn ý kiến người dân và quản lý tại nhiều địa phương do Liên minh Đất đai (Landa) thực hiện cũng chỉ ra chênh lệch giữa giá đền bù đất do Nhà nước thu hồi và dự án do DN thu hồi là một trong những nhóm vấn đề bất cập lớn nhất khi thực thi Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, quy định giá đất bồi thường được áp dụng riêng cho từng dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) mà còn là nguyên nhân khiến cho khiếu kiện tăng cao bởi trên một khu vực đất liền thửa, mỗi dự án áp một mức giá bồi thường khác nhau.
Thừa nhận “tự thỏa thuận” là cơ chế thoáng nhưng nhiều DN bất động sản TP HCM cho rằng làm như vậy, DN đang phải đóng 2 lần tiền sử dụng đất. Vì sau khi đền bù, GPMB xong, DN vẫn phải tiếp tục đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Tìm hướng tháo gỡ
Trước những bất cập trên, UBND TP Hà Nội đã đề xuất giải quyết theo hướng, trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, sản xuất thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch mà chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng trên 70% diện tích đất.
Nếu sau 30 ngày kể từ ngày UBND cấp huyện tổ chức cho các bên thương thảo mà không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cho phép giao Trung tâm Phát triển quỹ đất lập hồ sơ thu hồi đất, thực hiện bồi thường, GPMB theo chính sách nhà nước. Sau khi GPMB xong sẽ giao chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, những dự án chủ đầu tư đã đền bù, giải phóng được 80% diện tích trở lên cần được TP, Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ chế hỗ trợ việc giải tỏa đền bù để tránh lãng phí thời gian, làm tăng chi phí đầu tư khiến giá bán nhà “đội” lên theo.
Đối với những dự án đã bồi thường, GPMB liền thửa, ông Châu đề nghị cần cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi đất đã được bồi thường, giải tỏa để có thể triển khai ngay dự án.
Chính quyền địa phương cần vào cuộc hỗ trợ đền bù, GPMB với mức giá đền bù không thấp hơn mức giá cao nhất mà chủ đầu tư đã đền bù cho các hộ dân trong phạm vi dự án trước đó. Những hộ dân không đồng tình, cần có cơ chế để người có đất tham gia góp vốn cùng chủ đầu tư thực hiện hợp tác đầu tư kinh doanh dự án đó.
Mới đây, trong Báo cáo tổng kết 1 năm triển khai thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn mà DN đang gặp phải trong quá trình thu hồi đất cho mục đích kinh doanh.