Quan điểm đó thể hiện trong quyết sách, trong chỉ đạo thực tiễn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như hành động của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.
Để thực hiện thông điệp nhân văn ấy, thời gian qua, nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành.
Chỉ cách đây vài ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết số 03/2021/UBTV-QH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng từ Quỹ này.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết của UBTVQH; những chỉ thị, công điện, những cuộc họp trực tuyến tới tận xã phường của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn chưa có tiền lệ là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”.
Các lãnh đạo Đảng, Chính phủ với những chuyến “vi hành đặc biệt” vào tận tâm dịch, đến tận gia đình những người yếm thế để nắm bắt thực tiễn. Nhiều lần các lãnh đạo Đảnh, Nhà nước đều yêu cầu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trước hết, trên hết” và chỉ đạo “các lực lượng phải đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa...”. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, Đảng, Nhà nước đã và đang tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI.
Một dân tộc mạnh phải là dân tộc đoàn kết, có ý chí, quyết tâm hành động mạnh mẽ với khát vọng trở thành giàu có, thịnh vượng, bền vững trường tồn. Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, không ai bị bỏ lại phía sau, ai ai cũng được thụ hưởng thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, vun đắp thêm bản chất tốt đẹp của xã hội ta. Cuộc chiến chống COVID-19 đang diễn ra chứng minh điều đó.