Dẫu biết rằng có bệnh thì vái tứ phương, thế nhưng làm theo những đơn thuốc vô căn cứ trên mạng xã hội thì thật đáng trách. Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên viên cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết: “Phải nói rất rõ ràng rằng với bệnh nhân dương tính với Covid-19 thì sẽ cho nhập viện để điều trị chứ không thể tự ý điều trị ở ngoài”.
Nhập viện, tử vong vì uống thuốc chữa sốt rét để chống Covid-19
Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lan rộng, người dân trên thế giới cũng như ở nước ta tìm mọi cách để phòng và điều trị bệnh. Các phương pháp họ làm theo thường thiếu căn cứ và hết sức nguy hiểm, phản khoa học… từ thuốc đông y, thuốc cúm, thuốc sốt rét... họ uống hết không cần có sự khuyến cáo hay chỉ định từ các y, bác sĩ.
Tại bang Arizona của Mỹ, một cặp vợ chồng đã tự ý dùng hợp chất chloroquine phosphate để ngừa Covid-19 dẫn đến hậu quả là người chồng chết, còn người vợ đang nguy kịch.
Theo đó, với ý định phòng ngừa Covid-19, cặp vợ chồng ở độ tuổi 60 đã uống loại chloroquine phosphate dùng làm sạch bể cá, theo thông báo của Bệnh viện Banner Health ở thành phố Phoenix, bang Arizona, theo Reuters.
Nhưng trong vòng 20 phút, cả hai đều cảm thấy choáng váng, nôn mửa và sau đó là rối loạn hô hấp.
Người vợ gọi tới số điện thoại cấp cứu 911, nhưng sau khi cả hai được đưa tới viện, chồng bà đã tắt thở.
Mặc dù tới nay chưa loại thuốc nào được chính thức phê chuẩn là có khả năng phòng hay điều trị Covid-19, song một số nghiên cứu bước đầu cho thấy chloroquine hứa hẹn là liệu pháp khả dụng.
Trước thông tin thuốc sốt rét có khả năng điều trị bệnh Covid-19, nhiều người dân đã đi mua thuốc này về tích trữ, sử dụng.
Mới đây, một người đàn ông đã tự mua loại thuốc này để về uống. Theo lời kể của người nhà, vào khoảng 12h ngày 7/3, ông V.V.T (43 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đã tự uống 10 viên thuốc chloroquin 250mg để phòng dịch Covid-19. Sau khi uống khoảng 30 phút, ông T. thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời. Tiếp đó bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 9/3 điều trị tiếp.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng Covid-19. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam. Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Hydroxychloroquine và chloroquine được sử dụng với mục đích ban đầu là điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng...
Bên cạnh việc điều trị, thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Cụ thể, do gây lắng đọng thuốc ở giác mạc, nên có thể gặp các triệu chứng như rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gan, suy thận.
Ngoài ra, người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích (mặc dù hiếm gặp, và chỉ gặp nếu dùng liều rất cao). Thuốc cũng có thể gây tan máu (thiếu G6PD), hạ bạch cầu.
Thậm chí, ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hoá nhẹ, chán ăn, nhức đầu. Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hoá nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, thiếu máu, tan máu.
|
Một lọ thuốc chloroquine phosphate. Nguồn internet |
Bộ Y tế khuyến cáo không được uống thuốc sốt rét phòng Covid-19
Trước tình trạng người dân nhập viện, thậm chí tử vong vì Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cụ thể đến người dân.
Hydroxycloroquin/Cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ. Thuốc có rất nhiều tác dụng phụ và đặc biệt là những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, thông tin về tác dụng chữa Covid-19 của hai thuốc này mới chỉ là thông tin sơ bộ về kết quả nghiên cứu bước đầu, trên quy mô nhỏ và vẫn đang tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thêm. Điều đáng nói là, 2 loại thuốc này vẫn chưa được WHO và Bộ Y tế công nhận và chính thức đưa vào phác đồ điều trị và khuyến cáo sử dụng.
Tại Việt nam, bộ Y tế yêu cầu các cơ sở bán thuốc chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.
Ngày 24/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Văn bản hỏa tốc số 2768/QLD-GT gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong văn bản, Cục Quản lý Dược nêu rõ theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, giá thuốc điều trị sốt rét chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để điều trị Covid-19.
Việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và điều trị viêm đa khớp dạng thấp, ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng), chưa có chỉ định để điều trị Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt. Vì vậy, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng để điều trị, dự phòng Covid-19.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc không được tăng giá bán; không “găm” hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc khác trong danh mục thuốc phòng chống dịch Covid-19.
Các cơ sở thực hiện nghiêm quy định của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kể đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bán thuốc kê đơn và các biện pháp quản lý giá thuốc theo các văn bản nêu trên; tăng cường giám sát, kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).