Từ vụ tranh chấp của vợ chồng ca sĩ Thu Minh: Lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế

(PLO) -Gần đây, tranh chấp hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp (DN)Việt Nam với DN nước ngoài đã tràn ngập trên các mặt báo cũng như diễn đàn mạng. Vậy, làm thế nào hạn chế tối đa rủi ro từ tranh chấp gây ra?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài

Cụ thể, như trường hợp tranh chấp kinh tế giữa Công ty Global Home do ông Otto De Jager - chồng ca sĩ Thu Minh làm Giám đốc với các DN trong nước. Căn cứ vào các điều khoản mà các bên ký kết thì rất khó khép ông Otto hay Công ty Global Home vào tội “quỵt nợ” hay “trốn nợ” bởi vì các DN Việt Nam khi ký kết hợp đồng đã sơ hở rất nhiều.

Để hạn chế các tranh chấp xảy ra khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài - Giám đốc Công ty Luật Hanoi LAW - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đưa ra lời khuyên như sau:

Hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài thường bao gồm 3 loại điều khoản chủ yếu:

- Các điều khoản thương mại.

- Các điều khoản pháp lý.

- Các điều khoản tiêu chuẩn.

Vấn đề then chốt là khi soạn thảo hợp đồng phải tính toán và phòng ngừa được các rủi ro có khả năng xảy ra. Và để phòng ngừa được các rủi ro đó các DN cần lưu ý các điểm sau:

1. Chọn lựa nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế

Trong hợp đồng, cần quy định rõ về điều khoản luật áp dụng (thường sẽ là luật nước bên bán hoặc luật nước thứ ba để đảm bảo sự khách quan trung lập) về nội dung, hiệu lực và việc thực hiện hợp đồng… 

Nếu hợp đồng đã ký kết mà chưa quy định điều khoản luật áp dụng thì DN có thể ký thêm phụ lục hoặc biên bản bổ sung, thống nhất về nguồn luật áp dụng. Nguồn luật áp dụng, phải là nguồn đã được DN tiến hành so sánh, đối chiếu các quy định giữa các nguồn luật để tìm ra những điểm tích cực, hạn chế. Trong trường hợp cụ thể sẽ áp dụng nguồn luật nào có lợi cho DN nhất.

Phụ lục hợp đồng kinh tế chi tiết và cụ thể hóa các điều khoản của hợp đồng kinh tế. Việc ký kết phụ lục hợp đồng phải được lập thành văn bản, do người đại diện có thẩm quyền ký.

Nội dung của phụ lục hợp đồng kinh tế không được trái với nội dung của hợp đồng kinh tế. Phụ lục hợp đồng là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng, có giá trị pháp lý như hợp đồng.

Biên bản bổ sung hợp đồng kinh tế nhằm bổ sung những điều mới thỏa thuận vào hợp đồng kinh tế. Biên bản bổ sung hợp đồng kinh tế phải được lập thành văn bản, do người đại diện có thẩm quyền ký. Biên bản bổ sung cũng là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng, có giá trị pháp lý như hợp đồng.

Nếu hợp đồng không được chọn luật áp dụng cụ thể, tòa án sẽ dựa trên các nguyên tắc về tư pháp quốc tế để quyết định luật nào được áp dụng.

Tranh chấp giữa các công ty thuộc những quốc gia là thành viên Công ước Viên như Việt Nam sẽ được điều chỉnh bởi công ước này trong trường hợp các bên có lựa chọn.

2. Xác định rõ chủ thể giao kết hợp đồng và nghĩa vụ của các bên

Đôi khi, trong các Hợp đồng ký kết với DN nước ngoài, DN Việt Nam thường tự dịch sang tiếng nước ngoài mà không để ý đến việc tên giao dịch đã được đăng ký trong đăng ký kinh doanh hay chưa hoặc có DN không sử dụng tên viết tắt mà viết tên đầy đủ đã đăng ký nhưng lại đánh sai tên trong Hợp đồng.

Thêm vào đó, họ cũng thường thiếu sót ngay cả khâu kiểm tra tư cách pháp nhân của đối tác.

Lời khuyên cho DN là: Cần xem xét ký tên chính thức của đối tác, xác định chính xác loại hình DN, đảm bảo sự tồn tại và hoạt động bình thường của đối tác, thẩm quyền của người ký tên trên Hợp đồng cũng như xác thực chữ ký trong trường hợp cần thiết.

DN cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại, xác định rõ nghĩa vụ của các bên, các chế tài khi vi phạm hợp đồng thương mại; Cần xem xét tổng thể về nội dung, điều kiện áp dụng và nghĩa vụ có liên quan đến các chế tài đó.

3. Xác định tính hợp pháp của Hợp đồng

Trong trường hợp Hợp đồng có mục đích bất hợp pháp, hoặc trái với các quy định pháp luật của nước mà các bên trong Hợp đồng đã lựa chọn áp dụng, Hợp đồng cũng không được thực hiện. Để tránh trường hợp đồng vô hiệu do vi phạm pháp luật, các bên cần thỏa thuận hiệu lực riêng cho từng điều khoản để không ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ Hợp đồng.

4. Quy định phạm vi nội dung thỏa thuận và các tài liệu của Hợp đồng

Các bên thường sai lầm khi ngầm hiểu với nhau rằng, các thỏa thuận đã giao kèo từ trước khi ký kết Hợp đồng, thể hiện qua thư điện tử (email), các trao đổi trong quá trình đàm phán, trong các thỏa thuận, ghi nhớ mặc nhiên là một nội dung của Hợp đồng, mặc dù không được đề cập trong Hợp đồng. 

Trong Hợp đồng, các bên cần quy ước rõ rằng tất cả các tài liệu hay thỏa thuận trước khi ký kết Hợp đồng sẽ không còn giá trị khi Hợp đồng được ký kết. 

Bất kỳ nội dung quan trọng (thư, bản ghi nhớ…) thỏa thuận trước Hợp đồng được liệt kê trong Hợp đồng gọi là tài liệu Hợp đồng. Những nội dung này cần được sắp xếp theo mức độ ưu tiên; Trong trường hợp có sự mâu thuẫn, nội dung của văn bản có mức độ ưu tiên cao hơn sẽ được áp dụng.

5. Đàm phán cụ thể các điều khoản về giao hàng (nếu có) 

Thông thường, khi ký kết Hợp đồng thương mại, có liên quan đến việc giao nhận hàng hóa các bên thường không thỏa thuận được các nội dung quan trọng về giao hàng - điều khoản cơ bản của Hợp đồng. Điều này dẫn đến các rủi ro khi xảy ra giao hàng trễ hay việc giao hàng không như kế hoạch và dẫn đến tranh chấp Hợp đồng. Để tránh rủi ro, khi ký kết Hợp đồng này, các bên cần lưu ý các bước sau:

- Tính toán thời gian giao hàng (ngày giao hàng, chậm giao, hệ quả của việc chậm giao)

- Xác định địa điểm giao hàng (nơi giao hàng và phương án thay thế)

- Phương thức chuyển hàng (cách thức giao hàng)

- Rủi ro và bảo hiểm (chuyển giao rủi ro và quyền sở hữu)

- Điều kiện thương mại (Incoterm 2010)

6. Thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp

Trong Hợp đồng, các bên thường thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý. 

Nếu có quy định trọng tài, Hợp đồng vô hiệu một phần hay toàn bộ Hợp đồng không ảnh hưởng đến điều khoản trọng tài. 

Nếu không quy định về trọng tài, khi có tranh chấp, thủ tục tố tụng tại tòa án quốc gia sẽ được áp dụng.

Tóm lại, trong các giao dịch thương mại giữa các DN trong nước với nhau hay giao dịch có yếu tố nước ngoài thì các DN không thể chủ quan hoặc vì bất kỳ lý do gì mà vội vàng ký kết.

Những nguyên tắc cơ bản như pháp luật áp dụng, tính pháp lý của các Hợp đồng, tìm hiểu rõ về đối tác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cách thức giao hàng, thanh toán, phương án giải quyết tranh chấp…đều phải được cân nhắc và dự liệu trước khi đặt bút ký Hợp đồng. Đôi khi, chỉ vì một chi tiết nhỏ cũng có thể đem lại hậu quả, gây thiệt hại lớn cho DN. 

Đọc thêm