Tự ý phun thuốc vì nghe theo quảng cáo
Mỗi ngày, cả nước lại ghi nhận thêm hàng chục những ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới, điều này khiến người dân rất hoang mang, lo sợ. Theo ghi nhận tại các khu dân cư đông đúc ở Hà Nội, người dân đã có nhiều biện pháp tự phòng chống dịch theo cách riêng của mình. Cùng với đó, một số cá nhân lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân liên tục quảng cáo hóa chất diệt muỗi với những lời đầy sức thuyết phục “làm chết hết muỗi và tất cả các loại côn trùng như gián, kiến, chuột…”. Tin theo lời quảng cáo, không ít gia đình đã mua và tự ý phun thuốc khi chưa có sự hiểu biết cũng như chỉ dẫn về liều lượng hay dụng cụ bảo hộ trong quá trình phun.
Bà Phạm Thị Láng (Phú Lương - Hà Đông) cho biết, từ năm ngoái đến năm nay, ở làng bà nhà nào cũng mắc SXH, thậm chí có quá nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc. Bản thân gia đình bà, có bà và con dâu cũng đã mắc bệnh này, nguy cơ truyền nhiễm bệnh ở đây là rất cao. Do đó, gia đình bà đã mua rất nhiều dụng cụ phòng chống muỗi như vợt muỗi, đèn bắt muỗi và thuốc xịt muỗi, ngày bà xịt thường xuyên từ 4 đến 5 lần, sau khi xịt khỏi tay muỗi chết như “ngả rạ”.
Không chỉ riêng là hóa chất dùng để phun mà trên thị trường còn có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi, trong đó xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí không có nhãn mác đầy đủ… Bên cạnh đó, chỉ cần gõ Google sẽ có vô vàn trang web mời quảng cáo phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại nhà với đủ các mức giá. Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng hóa chất và phun hóa chất phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc tự ý mua, tự ý sử dụng thuốc ngoài sự kiểm soát như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí nhiễm độc thuốc khi sử dụng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, khi ổ dịch có nguy cơ cao, việc chủ động phun dịch muỗi ở những ổ dịch là cần thiết và chỉ mang tính chất diệt muỗi tạm thời. Vì việc phun muỗi này chỉ diệt được muỗi trưởng thành hoặc muỗi có nguy cơ cao nhiễm vi rút. “Phun thuốc trong phòng chống dịch là cần thiết tiêu diệt nhanh gọn đàn muỗi đó và ngăn chặn dịch bệnh lây truyền, nhưng gốc của mầm bệnh là diệt loăng quăng/bọ gậy mới mang tính chất lâu dài. Phun thuốc không đúng liều lượng, không đúng cách sẽ không đem lại kết quả”, PGS.TS Dương nói.
Đồng thời, phun thuốc diệt muỗi SXH là phun sương không giống với phun muỗi sốt rét là phun ở bờ tường thuốc tồn tại lâu dài (6 tháng). Nguyên nhân do muỗi gây bệnh SXH không đậu trên tường nên không phun tường. Do vậy, phun sương chỉ làm muỗi chết ngay lúc đó, khi một đàn muỗi khác nở ra thì thuốc muỗi phun trước đó không thể diệt đàn muỗi này. Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, nếu môi trường xung quanh hoặc ở các hộ dân khác vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh SXH thì muỗi này vẫn có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người, nguy cơ mắc SXH vẫn xảy ra.
Việc lạm dụng phun thuốc làm muỗi kháng hóa chất
Theo các chuyên gia, với đặc điểm sinh học của loại muỗi Dengue gây bệnh SXH là thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà, đặc biệt chúng sinh trưởng trong môi trường nước trong. Do vậy, kỹ thuật phun nếu không đạt chuẩn cũng sẽ không đảm bảo diệt được muỗi. Chính vì vậy, người dân không nên tự ý phun thuốc diệt muỗi. Điều này cực kỳ nguy hiểm, gây khó khăn trong công cuộc phòng chống bệnh SXH. Một số người do hạn chế về hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận sử dụng các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp (vốn chỉ phun ngoài trời) để diệt muỗi trong nhà rất dễ gây ngộ độc. Mặt khác, việc tự ý sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...). Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, lọ hoa, lốp xe,… Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng nắp hoặc vải để ngăn không cho muỗi đẻ, thả cá, dội nước nóng vào thành vại để diệt bọ gậy và trứng khi còn chứa ít nước. Khi phát hiện nhà mình hoặc xung quanh khu vực mình có người mắc SXH trở lên, cần báo ngay lên Trung tâm Y tế Dự phòng gần nhất để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý phun hóa chất mà nên theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
“Người dân là chủ thể diệt loăng quăng/bọ gậy bởi muỗi và bọ gậy sinh sản trong hộ gia đình, ngày nào cũng phải dọn dẹp nhà cửa không để đọng nước. Thực tế một chiếc nắp bia rất nhỏ khi vứt ra ngoài trời có nước mưa sẽ trở thành nơi phát triển của bọ gậy. Hay chỉ một chiếc lá khô rơi xuống cũng có cả trăm bọ gậy nở hàng trăm con muỗi. Do đó, người dân giữ vai trò quan trọng nhất trong phòng chống dịch SXH” - PGS.TS Dương nhấn mạnh.