Trong đó, trong ngày làm việc đầu tiên của tuần, QH hoàn tất quy trình công tác nhân sự bầu Ủy viên UBTVQH; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH. Buổi sáng, QH nghe Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để bầu Ủy viên UBTVQH.
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên UBTVQH. Sau đó, QH sẽ thảo luận, bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên UBTVQH. Với cùng quy trình, QH chiều 25/11 sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH.
Trong công tác xây dựng pháp luật, sáng nay (25/11), QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ giải trình ý kiến của ĐBQH. Các dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng sẽ được QH thảo luận lần đầu tại hội trường. Theo quy trình, các dự án Luật này sẽ tiếp tục được các ĐBQH cho ý kiến tại kỳ họp tiếp theo.
Cũng trong tuần này, theo chương trình, QH sẽ biểu quyết thông qua một loạt các Luật, bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Các Nghị quyết dự kiến được thông qua trong 3 ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 gồm có Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Nghị quyết về công tác tư pháp; Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Chiều 27/11, QH họp phiên bế mạc, biểu quyết Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV (trong đó có nội dung về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015). Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Trước đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa qua, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc kỹ quy định miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Cho rằng trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch, ĐB đề xuất việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, với nguyên tắc tối thượng: “Không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh”.
Một số ý kiến ĐB khác cũng nhất trí cho rằng quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi thực tế hiện nay việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, các ĐBQH còn có ý kiến khác nhau về việc Nghị quyết này có vi hiến hay không. Phát biểu về vấn đề này, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, khi xây dựng đề án này, ngay từ đầu Hà Nội đã rất quan tâm và cũng tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các nhà luật học, nhất là các nhà quản lý về vấn đề này.
Theo ông Hải, các ý kiến đóng góp đều cho thấy đây là đề án thí điểm và không vi hiến. “Chúng tôi đã nghiên cứu ngay từ đầu và nếu nội dung của đề án chúng tôi nghiên cứu mà ngay từ đầu các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi đã không làm tiếp”, ông Hải nói.
Theo thống kê của TP Hà Nội, HĐND TP hiện có 102 đại biểu, trong đó có 18 đại biểu chuyên trách, chiếm tỉ lệ 17,6%. HĐND mỗi quận, huyện, thị xã của TP có từ 30 - 40 đại biểu, chủ tịch HĐND quận, huyện, thị xã đồng thời kiêm bí thư quận ủy, huyện ủy hoặc thị ủy.
Số lượng đại biểu HĐND mỗi phường, xã, thị trấn trong khoảng từ 25 - 30. Theo tính toán, nếu xóa bỏ tổ chức HĐND tại 177 phường trên địa bàn, TP Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường.