Tunisia mạnh tay với khủng bố

(PLO) -“Hiện có gần 2.930 công dân nước này gia nhập các tổ chức cực đoan và cơ quan chức năng có danh sách của những người này”, Bộ trưởng Nội vụ Tunisia Hedi Majdoub đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn tờ Le Maghreb hôm 9/1.
Lực lượng cảnh sát chống khủng bố Tunisia

Theo ông Hedi Majdoub, khoảng 50% trong gần 2.930 người kể trên đang tham chiến tại Syria, 500 người tham chiến tại Libya và 150 người ở Iraq. Số còn lại đang tham chiến hoặc gia nhập các nhóm khủng bố ở những nước khác. 

Không nhân nhượng với khủng bố

Ông Hedi Majdoub còn cho biết, 800 phần tử thánh chiến đã quay trở về nước hiện sống ở 24 tỉnh thành, trong đó tập trung nhiều nhất là thủ đô Tunis. Người phát ngôn Chính phủ Iyed Dahmani cho biết, 800 phần tử khủng bố mà Bộ trưởng Nội vụ Hedi Majdoub nói tới đều đã trở về nước từ năm 2007. Trước đó (8-1), khoảng 1.000 người đã tới trung tâm thủ đô Tunis để biểu tình phản đối việc cho phép những phần tử thánh chiến tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài trở về nước.

Thủ tướng Youssef Chahed tuyên bố, không nhân nhượng với bất cứ sự trở về nào của phần tử khủng bố và quan điểm của chính phủ là không ủng hộ những đối tượng này quay trở về từ các vùng chiến sự. Tổng thống Beji Caid Essebsi cũng tuyên bố, không tha thứ cho những công dân Tunisia chiến đấu cho các tổ chức khủng bố và cực đoan.

Lực lượng cảnh sát và an ninh Tunisia từng kêu gọi chính phủ tiến hành những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự trở về của các tay súng đang chiến đấu cho những tổ chức cực đoan ở nước ngoài. Bởi theo họ, sự trở về của các phần tử khủng bố từ những nơi bất ổn sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định của Tunisia. 

Cảnh sát Tunisia

Liên tục triệt phá

Theo giới chức Algeria, khoảng 20 phần tử khủng bố được đào tạo bài bản và được phần tử khủng bố nguy hiểm Abou Abada Al Maghriby chỉ huy có thể đã thâm nhập Tunisia để tăng cường sức mạnh cho mạng lưới khủng bố Qatiba Okba Ibn Nafaa, một nhánh của tổ chức al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM). Trong số những tên kể trên có tay súng bắn tỉa được đào tạo tốt và được huấn luyện để thực hiện các vụ ám sát.

Ngày 6-1, Bộ Nội vụ Tunisia cho biết, lực lượng an ninh đã triệt phá một mạng lưới khủng bố hoạt động tại tỉnh Monastir. Trước đó, cảnh sát đã phá một mạng lưới khủng bố tại tỉnh Sousse, và chúng thừa nhận đang tuyển mộ chiến binh thánh chiến trẻ. Trong khi đó, lực lượng an ninh bắt Oum Yousra tại Ben Guerdene.

Và tên này nhận lệnh từ các thủ lĩnh của IS âm mưu khủng bố vào sàn nhảy hoặc khách sạn tại Djerba hay Zarzis giống như vụ tấn công nhằm vào một hộp đêm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Cảnh sát cũng đã bắt Skander Frih (còn gọi là Abou El Baraa), từng chỉ huy một mạng lưới với hơn 60 phần tử có ý đồ ám sát một chính khách có ảnh hưởng và thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào trụ sở Quốc hội ở thủ đô Tunis.

Gần nửa năm trước (20-7-2016), Bộ Nội vụ Tunisia thông báo, cảnh sát đã triệt phá một mạng lưới khủng bố liên quan đến IS đang hoạt động tại khu vực El Kalaa Sghira ở thành phố nghỉ dưỡng Sousse, cách thủ đô Tunis 140km về phía Nam. Một số thành viên của mạng lưới này được IS huấn luyện và học cách chế tạo chất nổ. 

Theo thống kê, trong năm 2016, các cơ quan chức năng của Tunisia đã tiến hành hơn 1.700 đợt truy quét phần tử khủng bố, triệt phá hàng chục nhóm, xét xử khoảng 1.400 đối tượng và bắt giữ nhiều phần tử khác với cáo buộc liên quan đến hoạt động tuyển mộ thanh niên đưa đến các vùng chiến sự ở Trung Đông và Bắc Phi.

Theo giới truyền thông, từ thượng tuần tháng 11-2016, Hội đồng An ninh quốc gia Tunisia đã thông qua chiến lược chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Trong đó tập trung vào 4 vấn đề chính là phòng ngừa, bảo vệ, truy tố và đáp trả. Hội đồng An ninh quốc gia gồm Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp và các quan chức an ninh cấp cao. 

Từ năm 2011, Tunisia phải đối mặt với làn sóng tấn công khủng bố gia tăng, phần lớn do tổ chức al-Qaeda tại Bắc Phi chủ mưu. Theo ước tính của LHQ, hiện có hơn 5.500 người mang quốc tịch Tunisia, ở độ tuổi từ 18 đến 36 đang tham gia các nhóm chiến binh, chủ yếu ở Iraq, Libya và Syria./.