Có một thời để nhớ...
Như một cơ duyên, chúng tôi may mắn được biết đến NSƯT Đỗ Linh thông qua những anh chị em thân hữu trên con đường thiện nguyện. Ông là nghệ sĩ “trứ danh”, hát Bài Chòi số 1 của dải đất miền Trung. Mới gặp người ta có thể cảm nhận ở Đỗ Linh một phong thái đĩnh đạc từng trải, gần gũi, thân thiện của người dân quê và cả cá tính khôi hài, ngạo nghễ rất đúng khí chất người nghệ sĩ sinh ra từ dân, lớn lên từ dân...
Hình ảnh người nghệ sĩ này đã hóa thân vào những câu hò, điệu lý mượt mà, chân chất, thấm đẫm hơi ấm tình người, tình quê. Hình ảnh ấy khó có thể phai mờ trong ký ức tuổi thơ của lớp người trung niên. Như lời cô hàng nước hôm chúng tôi gặp tiếp chuyện vẫn trầm trồ khen: “Trời! Chiều hôm qua đây thôi, tui còn mở cái đĩa có lời hát của ông ấy đó. Nghe hay lắm. Không ngờ chiều nay lại gặp ở đây...”.
Còn trong mắt văn nghệ sĩ cả nước, cái tên Đỗ Linh (hay Phạm Đỗ Linh) đã trở nên quá quen thuộc. Nhắc đến thể loại âm nhạc dân tộc, dân ca miền Thuận Quảng, người ta vẫn thường chỉ nghĩ đến cái tên Đỗ Linh. Dường như ở cái tuổi 56, hơn 35 tuổi nghề, Đỗ Linh đã để lại một dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và khán thính giảng miền Trung. Nhưng ở con người Đỗ Linh vẫn khắc khoải một nỗi niềm về tuổi thơ nhọc nhằn của mình, về phận gian truân đời ba đời má chắt chiu nuôi mình khôn lớn. Chỗ ướt má nằm, nhường chỗ khô cho con, chấp nhận đói khát cho con có bữa no...
Quê hương Đỗ Linh là mảnh đất xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) còn lắm nghèo khó. Cuộc sống người dân quê quanh năm suốt tháng lam lũ bám mấy sào ruộng khô quèn. Chuyện lo miếng ăn qua ngày cũng đã khó huống gì là ăn ngon, mặc ấm. Gia đình Đỗ Linh cũng như bao người dân quê khác. Cài nghèo, cái khổ cứ mãi đeo đẳng. Đến nỗi từ khi sinh ra đến 10 tuổi, Đỗ Linh chưa từng có đôi dép tạm gọi là tươm tất để xỏ chân.
Đỗ Linh nhớ rất rõ cái thời nhỏ xíu vẫn thường lẽo đẽo theo má ra chợ mỗi ngày. Thời đó, toàn đi chân đất nên mỗi lần đi chơi với lũ trẻ hàng xóm Đỗ Linh thường chịu thiệt. Nhiều lần lũ trẻ rủ đi vào rừng, lên núi hay đi đâu chơi Đỗ Linh thường hay từ chối vì sợ giẫm gai, ve chai, hay đá dăm làm khổ má. “Lắm khi thấy bạn bè hàng xóm đi chơi có dép cũng ức lắm về nhõng nhẽo nằng nặc đòi má mua cho bằng được. Má chỉ im lặng rồi gật gật đầu cho con yên lòng. Nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, chứ tiền đâu mà mua”, Đỗ Linh nhớ lại.
Rối đến một ngày, lời hứa của má được thực hiện. Còn nhớ, ngày đó má dậy rất sớm để dắt bộ 2 anh em Đỗ Linh ra tận chợ Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) mua 2 đôi dép cao su. Mua được đôi dép, hai anh em hí hửng mừng rỡ kẹp nách đi bộ mấy giờ liền về nhà vẫn không thấy mỏi chân. Về đến nơi, lấy dép ra mang đi thì thấy dính bụi bặm nhớp nên đem đi cọ rửa sạch sẽ rồi mới trèo lên tận mái nhà tôn phơi cho khỏi bị chó cắn hay ai lấy cắp.
Đến chiều tối, hai anh em hồ hởi trèo lên lấy dép xuống để đi khoe bọn trẻ hàng xóm thì xịu mặt khi phát hiện 2 đôi dép cong queo, co quắp lại như vành xe. Khi đó trong đầu lại nảy ra ý tưởng lấy 4 cục gạch đè lên 2 đôi dép mong cho mai nó thẳng ra. Đến mai trèo lên lại lấy xuống chưa vội mừng thì chiếc dép lại cong quỷnh như lúc đầu, lớp cao su rạn nứt, nở to ra. Thế là hai anh em lại không có dép mang và cũng đi chân đất. Phải mãi đến khi 10 tuổi Đỗ Linh mới có được một đôi dép nghiêm túc mà tập tễnh đi khoe với bạn bè.
Lắm lúc Đỗ Linh vẫn thầm cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn tuổi thơ của mình: “Giờ nhiều khi thấy lũ trẻ nô đùa, ký ức tuổi thơ chân trần lại ùa về từng hồi. Dẫu tuổi thơ khổ nhiều, vất vả nhiều, nhưng cũng chính vì thế đã tôi luyện con người mình được như ngày hôm nay. Hơn hết là gieo trong mình hướng đi cho sự nghiệp nghệ thuật dân tộc về sau. Mình luôn trân trọng điều đó...”.
Người nghệ sĩ đi ra từ nhân dân
Như người nghệ sĩ này từng khẳng định: Ký ức tuổi thơ đã gieo mầm trên con đường nghệ thuật sau này của ông. Ông đến với nghệ thuật dân tộc như là cái duyên nghiệp của cuộc đời này. Không qua trường lớp, không chút kiến thức nhạc lý. Và cũng không tốn một đồng xu nào cho thầy, nhưng ông đã thẩm thấu được từ hơi thở cuộc sống qua những câu ca, tiếng hát dân dã để nung nấu trong mình một lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề.
Đỗ Linh kể rằng, từ khi sinh ra, cái nghèo cái khổ bám níu nên những lúc thảnh thơi ông vẫn thường được nghe tiếng ru “À ơi” của má trong những buổi trưa hè, đêm vắng thanh tịnh. Tiếng ru ấy đã đưa ông vào giấc ngủ say trong vòng tay ấm áp của má. Dần dà, những tiếng ru ấy đã “ám ảnh” ông. Rồi sau này, khi ông mới lên 7 thì má mất, ông như bị hụt hẫng, bước vào đời sớm với bao cạm bẫy. Những lúc mệt nhoài ông lại thèm nghe tiếng “À ơi” ngày nào của má. Nỗi niềm khao khát ấy cứ day dứt mãi trong con người ông.
Năm lên 10 tuổi, đêm đêm Đỗ Linh lại lén ra sân đình xem hát. Từ đó, ông mới có dịp theo những gánh hát cải lương quê để tập tành học “lỏm” ít chiêu rồi hát thử. Qua thời gian, cô chú trong gánh hát phát hiện tài năng nên cho ông vào một chân nhạc công cải lương. Nhưng ông vẫn không chịu chấp nhận với “thân phận” nhạc công. Khi tay nghề vững, ông lại lấn sang đi hát. Ông vẫn không thể nào quên những ngày tháng gian khó ấy.
Thời ấy, nhà nghèo không có tiền mời thầy, cũng không có tiền mua băng đĩa, máy cát-sét về tập luyện giọng. Nhưng tình cờ, trong một lần đi ra đồng lục lọi trong đống rác, ông nhặt được một cái máy đĩa hỏng của Mỹ còn sót lại. Có máy nhưng không có đĩa, ông mới gom góp có tiền đi mua một cái đĩa nhạc của Văn Vỹ.
Rồi khuya khuya tầm 2-3h sáng, ông lại một mình thức dậy dùng tay quay đĩa, tiếng kêu cút kít và thanh âm nho nhỏ giọng hát của nghệ sĩ Văn Vỹ vang lên đã đánh thức niềm đam mê ca hát dân ca trong con người ông. Chỉ có mấy ngày, Đỗ Linh đã học thuộc được 6 câu vọng cổ của Văn Vỹ và tập tành đi hát cho người thân, bà con hàng xóm nghe. Nghe xong, ai nấy cũng đều khen nức nở khiến Đỗ Linh vui lắm.
Mãi về sau, lũ trẻ ở quê mới đến “tòng sư”. Đỗ Linh bắt đầu lấy cái đó làm “cần câu” đi mưu sinh kiếm cơm ăn qua ngày. Rồi được mời đi hát xóm, hát phường trong mỗi lần địa phương có chương trình văn nghệ. Đến một ngày đầu năm 1976 mới thực sự đánh dấu con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của Đỗ Linh. Ngày đó, ông nghe Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng có tổ chức Hội thi hát, ông đăng ký tham gia và được giải Nhất năm đó. Sau cuộc thi đó, ông được tuyển vào làm ở Đoàn ca kịch Quảng Nam-Đà Nẵng phụ trách đánh ghita phím lõm.
Một thời gian sau, Đỗ Linh lấn sang làm diễn viên phụ trong những vai diễn của Nhà hát Trưng Vương. Sau vài lần vào vai, đạo diễn Nguyễn Kiểm đã phát hiện tài năng của Đỗ Linh có giọng mềm của thể loại cải lương nên mới cho nhập vai chính trong vở “Biển Đông”. Đây chính là bước khó khăn nhất của Đỗ Linh, đi từ hậu trường lên sân khấu.
Càng về sau, Đỗ Linh từng bước khẳng định được tài năng thiên bẩm về dân ca miền Thuận Quảng, tiêu biểu là thể loại hô hát Bài Chòi tài tình. Khi nhập vai anh Hiệu trong làn điệu hô hát Bài Chòi, Đỗ Linh đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo độ mềm mại của cải lương vào nét mộc mạc, chân phương của Bài Chòi. Mãi về sau, mỗi khi nhắc đến Bài Chòi người ta thường nhắc đến cái tên Đỗ Linh với biệt hiệu “trứ danh”.