10 thí sinh thi - 5 người đoạt giải
Bên cạnh tai tiếng xoay quanh việc ban tổ chức đối xử tệ bạc với các nghệ sĩ Việt khi tới Nhật lưu diễn, Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 còn bị gắn “mác” “cuộc thi nhan sắc ao làng”. Cuộc thi tại Nhật gói gọn trong hai đêm diễn 11-12/10 với khoảng 10 thí sinh tham gia nhưng có tới 5 người đẹp được đội vương miện kèm danh hiệu Hoa hậu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài phần thi nhan sắc được tổ chức ngắn gọn, chương trình có cả biểu diễn ca nhạc và tấu hài, không khác một show diễn tạp kỹ.
Tại Việt Nam hiện có rất nhiều cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ, như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Miss Teen, Miss Ngôi Sao, Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2014, Nữ hoàng Việt Nam…
Có không ít cuộc thi để lại những chuyện khiến người ta cười mà buồn. Trong đó, có cuộc thi cấp địa phương Người đẹp Kinh Bắc đầu năm 2014. Dù có ngoại hình ưa nhìn, cân đối, khuôn mặt khả ái nhưng khi thi ứng xử, thí sinh top 5 người đẹp nói ngọng, trả lời thật thà đến ngô nghê. “Bắc Linh là cái lôi của quan họ, là một lền văn hóa”, một thí sinh trả lời. Có lẽ phần sơ tuyển, Ban giám khảo không có thời gian trò chuyện, tiếp xúc với thí sinh nên để người đẹp nói ngọng vào chung kết?.
Cuộc thi Nữ hoàng Trang sức được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) do hội Mỹ thuật Kim hoàn Việt Nam tổ chức cách đây không lâu cũng khiến khán giả cười nghiêng ngả. Thí sinh đăng quang Nữ hoàng gọi thực trạng tai nạn giao thông thành “đại dịch”, và nói như ở nhà “em chốt lại phần trả lời của em”…
Cần đào tạo “hậu… hoa hậu”
Chia sẻ về chất lượng các cuộc thi nhan sắc kiểu “ao làng”, một vị nguyên Giám đốc sở Văn hoá- Thông tin cho rằng: “Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp của chúng ta còn quá chú trọng đến cái đẹp hình thức chứ chưa nhìn nhận được cái đẹp bên trong. Muốn đạt được điều đó, bắt buộc chúng ta phải đào tạo tốt. Những đối tượng nào muốn tham gia các cuộc thi người đẹp, hoa hậu thì ngoài việc chăm sóc hình thức bên ngoài cũng cần phải học tập, rèn luyện để bổ sung, hoàn thiện mình về mặt nhận thức, trí tuệ”
Theo bà Đ.H.S, một huấn luyện viên sắc đẹp, khát vọng của những cô gái trẻ khi muốn chinh phục các cuộc thi là chính đáng nhưng nếu không cẩn trọng sẽ “trượt ngã”. Là người nhiều năm trực tiếp đưa thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp, nhưng mỗi lần đưa thí sinh đi là mỗi lần bà Đ.S. lại cảm thấy rầu lòng khi chứng kiến những “cạm bẫy” vô hình bủa vây người đẹp khắp nơi. Bà đã phải từ chối rất nhiều lời gạ gẫm để “ngã giá” về ngôi vị khi đưa các thí sinh đi thi.
Bà S. cho biết: “Thực tế, các thí sinh đi thi đều tự túc là chính, không có tiền và không có đơn vị tài trợ. BTC chỉ tài trợ được phần nào về trang phục, trang điểm. Muốn có giải cao phải có “đại gia” “chống lưng”, những bộ đầm, giầy, ví hàng hiệu của người đẹp cũng là nhờ các “đại gia” mới có. M.P.T hoạt động tích cực, có chiều sâu là nhờ có công ty “đại gia” đằng sau. Sự việc lùm xùm về người đẹp nói dối về trình độ học vấn được phơi bày như N.T.T.D. và L.T.D.H. nhưng họ vẫn đăng quang, tại sao BTC cuộc thi không trao cơ hội những người đẹp trí thức khác?”.
Nhiều người đẹp không coi danh hiệu chỉ đơn thuần để tự hào mà với họ, đó còn là một “bệ phóng” để có thể đạt được nhiều mục đích khác. Vì thế, không ít cô gái, chàng trai sở hữu sắc đẹp phải chấp nhận đánh đổi. Siêu mẫu V.M.H hay L.K.Đ đã nhiều lần chia sẻ với bà S. về những đánh đổi để lấy hào quang ngôi vị và nhận các show trình diễn.
Ngay những cuộc thi uy tín cũng đã xuất hiện những chuyện rùm beng sau khi thí sinh đăng quang ngôi vị cao nhất. Bàn luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (thành viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hôi) nói: “Bất cứ người đẹp nào, hoa hậu nào, trước khi bước vào cuộc thi đều cần phải chuẩn bị cho mình một nhân cách tốt để sau khi đăng quang, tức “hậu hoa hậu” có thể tôn lên hình ảnh của mình, ngôi vị của mình chứ không phải dùng danh tiếng đó để làm những chuyện không xứng đáng với danh hiệu hoa hậu, á hậu... của mình”.
Nhiều chuyên gia văn hoá cho rằng, các nhà quản lý cũng đã nhiều lần đốc thúc, nhắc nhở các cấp cơ sở trong việc tổ chức những hoạt động văn hóa nhưng cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”. Đa số các cuộc thi đều làm theo kiểu “lấy được”, làm cho kịp thời gian hoặc vì những lợi ích nào đó.
“Tôi nghĩ rằng thay vì tổ chức các hoạt động một cách ào ạt, xô bồ, lấy số lượng “đè” chất lượng như hiện nay, chúng ta nên tập trung vào chất lượng của các chương trình để tổ chức những chương trình thật sự có tầm vóc”, bà Khá nhấn mạnh.