Năm 1953, ông Nguyễn Ba Viết (nguyên phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89) theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc.
Sau đợt tuyển quân, ông bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ. Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ. Câu chuyện của ông Viết được tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế chia sẻ rộng rãi cho lớp trẻ Thừa Thiên Huế về những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến thăm cựu chiến binh Điện Biên Phủ |
Không chỉ câu chuyện trên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã đăng tải hơn 1.500 bài viết, câu chuyện hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từng bài viết, câu chuyện đã góp phần giáo dục đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với đất nước, về những hy sinh mất mát để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc.
Qua đó, giúp tuổi trẻ tỉnh nhà phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong quyết tâm rèn luyện, học tập, noi gương các thế hệ đi trước và những tấm gương anh hùng trẻ tuổi.
Bên cạnh việc đăng tải, chia sẻ các bài viết, câu chuyện lịch sử, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, ngày 24/5/2024, Đoàn đại biểu Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế và cụm Bắc Trung Bộ đã có mặt tại Hà Nội để tham gia Lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Trong khuôn khổ lễ xuất quân, đoàn đại biểu đã được vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn và dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã đến thăm hỏi và tri ân các gia đình những anh hùng liệt sĩ, cô chú cựu chiến binh chiến trường Điện Biên Phủ và trao tặng một nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng cho gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Điện Biên.
Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" |
Theo anh Nguyễn Thanh Hoài - Bí thư tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế, ở cấp huyện, nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa cũng đã được tổ chức; cụ thể vào chiều ngày 4/5/2024, Ban Thanh niên Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham gia của gần 350 cán bộ chiến sỹ.
Tại chương trình, cán bộ chiến sĩ đã được xem phóng sự tài liệu toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, được lắng nghe những chia sẻ của bác Nguyễn Tửu, là cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, lắng nghe chuyên đề “Lực lượng Công an nhân dân góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” do Thượng tá Hà Xuân Phương - Trưởng phòng Công tác đảng và công tác chính trị báo cáo.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tuyên truyền, giới thiệu cuốn sách “Hoa ban đỏ” của tác giả Hữu Mai do Nhà xuất bản trẻ phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời gửi tặng sách “Hoa ban đỏ” đến đại biểu và các tổ chức cơ Đoàn, Hội, Công Đoàn trong Công an tỉnh, phát động cán bộ, đoàn viên, hội viên tham quan triển lãm sách tại thư viện và phòng truyền thống Công an tỉnh.
Đặc biệt, sáng ngày 7/5/2024, Ban Thường vụ Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng đại diện các tổ chức cơ sở Đoàn trực thuộc đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Vĩnh Cù (65 năm tuổi Đảng, 92 năm tuổi đời) và ông Hoàng Minh Tuấn (78 tuổi Đảng, 102 tuổi đời); đây là những cựu chiến binh đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thông qua các hoạt động đã tuyên truyền cho tuổi trẻ toàn tỉnh hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ; những công lao, cống hiến của quân và dân ta, nhất là những chiến công, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Qua đó Khơi dậy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tiên phong, xung kích, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng Đất nước thêm hùng cường và phát triển.