Từ lính thủy Pháp
Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát (1921-1993) quê làng Trung Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ông là Tư lệnh Quân chủng Hải quân từ năm 1964 - 1976, Tư lệnh Hải quân tiền phương trong chiến dịch Tổng tiến công năm 1975. Cuộc đời trận mạc của Tướng Phát khá ly kỳ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cha là một nhà nho có tinh thần yêu nước, dạy chữ Hán có tiếng trong vùng.
Nguyễn Bá Phát từng trúng tuyển vào lính thợ, chuẩn bị sang châu Âu nhưng Pháp thua trận, không điều lính từ Đông Dương sang nữa. Năm 1939, ông trở thành lính thủy trên chiến hạm La Mocte Picker đóng ở Sài Gòn nhưng thường có những chuyến hải hành khắp các vùng biển thế giới. 5 năm lênh đênh trên biển cả, ông đã đến nhiều bờ biển châu Á, châu Phi, qua tận đảo Réunion tìm thăm Vua Duy Tân đang bị lưu đày hay sang đảo Madagascar để gặp các chiến sĩ yêu nước bị đày ải ở đó. Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp, Nguyễn Bá Phát trở về làng Trung Sơn, được giác ngộ cách mạng và tham gia dân quân tự vệ địa phương.
Nhắc đến tài cầm quân của Nguyễn Bá Phát là nhắc đến “trận rút quân thần kỳ của ông Phát” vào dịp Tết năm 1949. Ngày 24/1/1949, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bá Phát, bộ đội ta phục kích chặn đánh một đoàn xe lửa và một đoàn xe quân sự Pháp gồm 18 chiếc, có một chiếc thiết giáp dẫn đầu và máy bay yểm trợ trên đường đèo Hải Vân. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, ta lại chặn đánh một đoàn xe khác gồm 12 chiếc từ Huế chạy vào. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt ta tiêu diệt trên 200 tên địch, phá hủy 15 xe quân sự và thu nhiều súng trung liên, đại liên và súng trường.
Biết quân ta chưa kịp rút lui, quân Pháp huy động 8 tiểu đoàn kéo lên ngã ba Khe Sô, rải quân từ Eo Ngựa và đèo Mũi Trâu đến dọc hữu ngạn sông Trường Định hòng bao vây tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thâm độc hơn, địch còn cho thu hoặc phá hỏng tất cả ghe thuyền của nhân dân tây bắc Hòa Vang và ban lệnh thiết quân luật trên toàn vùng, đồng thời chúng phong tỏa hết các ngả đường. Trước tình hình đó, Nguyễn Bá Phát đã đưa ra một quyết định cực kỳ sáng suốt, ông bàn với Huyện ủy Hòa Vang thực hiện một phương án rất táo bạo: đưa quân chủ lực vượt sông Trường Định về ở lẫn trong nhân dân vùng địch tạm chiếm.
Đêm 27/1/1949, gần như toàn thể đồng bào vùng tây bắc Hòa Vang được huy động vào cuộc rút quân có một không hai này. Để phối hợp với cuộc lui quân, nhằm đánh lạc hướng quân địch, đêm đó các đội du kích Hòa Vang và xã Hòa Liên nổ súng vào các đồn bót chung quanh kiềm chế địch. Nhân dân các xã cánh bắc huyện Hòa Vang phô trương thanh thế nhằm đánh lạc hướng địch. Các mẹ, các chị lo tiếp tế; các em thiếu nhi canh gác, dẫn đường; thanh niên, dân quân đi lấy thuyền. Hơn 30 chiếc thuyền được khiêng qua bãi cát dài 3km chuyển về sông Trường Định đưa bộ đội bí mật qua sông.
Đồng bào hai bên đường đón bộ đội đi qua, tiếp tế lương thực, tặng nhiều quà bánh... Kết quả, ta đã đưa gần 1.800 bộ đội, du kích, 28 thương binh vượt qua sông an toàn ngay trước vòng vây dày đặc của kẻ thù. Sáng hôm sau, bọn Pháp vẫn tưởng quân ta còn trong vòng vây, nên tiến hành khép chặt, sau khi biết chắc ta đã rút lui an toàn, chúng phải thừa nhận “Việt Minh tài thật!”.
Đến Tư lệnh Hải quân đầu tiên
Từ bài học quân sự cách mạng đầu tiên ở làng quê, Nguyễn Bá Phát tiếp nhận mọi nhiệm vụ và có mặt ở mọi chiến trường cho đến khi thành Tư lệnh Hải quân Nhân dân. Ông là một vị tướng có công đầu đối với sự hình thành và phát triển của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng từ ngày đầu thành lập đến khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Ông cũng là người có những cống hiến không nhỏ đối với việc xây dựng đoàn tàu không số, chỉ đạo và phát triển “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, bảo vệ và phòng thủ bờ biển.
Năm 1959, Cục Phòng thủ bờ biển chuyển đổi thành Cục Hải quân. Năm 1964, Cục Hải quân đổi tên thành Quân chủng Hải quân. Ngay sau khi thành lập, ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi 333, 336 và 339 Phân đội 3, Đoàn 135, Quân chủng Hải quân đã đánh đuổi tàu khu trục Maddox (số hiệu 731, thuộc biên đội xung kích 77, Hạm đội 7 Mỹ) khiêu khích vũ trang, bắn phá thuyền đánh cá của ta, xâm phạm chủ quyền lãnh hải trong vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. 3 tàu phóng lôi của ta đã bắn rơi tại chỗ một máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, buộc tàu chiến Mỹ phải rút chạy. Đây là trận chiến đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Khu trục hạm Maddox có 6 đại bác 127 ly với tầm xa khoảng 20 cây số, do radar điều khiển. Ngoài ra còn một số hải pháo cỡ nhỏ hơn như 76 ly, 40 ly và 20 ly. Khu trục hạm Maddox còn có ưu thế tuyệt đối về radar. Trong khi đó, các tàu phóng lôi của ta chỉ được trang bị đại liên 14.5 ly, tầm xa không quá hai cây số và mỗi tàu chỉ có 2 quả ngư lôi. Về trận đánh này, quân sử của các bên sau này đã tốn không ít giấy mực để luận bàn. Nhưng chiến công đánh đuổi khu trục hạm Maddox cùng thành tích phối hợp với lực lượng phòng không bắn rơi 8 máy bay phản lực siêu âm của Mỹ, bắt sống giặc lái E. Alvarez mãi mãi đi vào quân sử Hải quân Việt Nam.
Những năm tiếp theo, Mỹ khóa chặt tất cả các cửa sông mạn Bắc, nhất là từ vĩ tuyến 20 vào đến vĩ tuyến 17 bằng hệ thống thủy lôi, bom mìn. Không quân Mỹ tăng cường săn đuổi các hạm tàu 24/24. Nếu hải quân lui ngược sâu vào sông Hồng để tham gia bảo vệ Thủ đô và bảo toàn lực lượng có nghĩa là xóa quân hiệu hải quân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt. Chiến trường miền Nam cần chi viện của miền Bắc.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát đã có tầm nhìn chiến lược về đoàn tàu không số. Đêm 16/11/1964, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thân chinh xuống đưa tiễn tàu 41 xuất phát vận chuyển vũ khí vào Vũng Rô. Đây là một kế hoạch hết sức táo bạo vì Vũng Rô quá gần với Cam Ranh - khi đó là căn cứ hải quân lớn nhất miền Nam của chính quyền Sài Gòn.
Được tin Hải quân đã khai thông đoàn tàu không số, ngay trong đêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật xuống Hải Phòng. Gặp Tướng Phát, Hồ Chủ tịch đã khích lệ, sau đó tặng ông chiếc đồng hồ đeo tay có khắc tên của Người bằng chữ Hán. Món quà của Bác Hồ là nguồn động viên khiến ông luôn trăn trở và suy nghĩ trong khó khăn chung của đất nước. Quân chủng mới thành lập, lại phải đương đầu với kẻ thù được trang bị tối tân, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát động viên đồng chí và đồng đội tự lực, tự cường, sáng tạo ở mọi hoàn cảnh.
Tướng Phát cùng với các trợ thủ của mình đã bảo toàn được hầu hết các phương tiện chiến đấu, vận tải tại những địa bàn hiểm yếu của vịnh Hạ Long. Họ âm thầm dành tâm sức chắp cánh cho Đoàn Vận tải 125 bằng việc cải tiến những con tàu không số lớn hơn với sức chở hàng trăm tấn, có thể đi xa hơn để chi viện cho chiến trường miền Nam với hàng trăm hải trình khác nhau trên Biển Đông. Rồi việc ra đời và các chiến công của Đoàn Đặc công nước 126 huyền thoại trong những trận đánh tại cảng Cửa Việt.
Vị tướng Anh hùng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho biết: “Phương pháp khởi xướng rà phá thủy lôi của Hải quân Việt Nam rất độc đáo. Chưa có một nước nào dùng cách kích nổ thủy lôi trước mũi và hai bên mạn tàu. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, dễ chịu tổn thất nặng nề. Không có khả năng khử hết từ trường của tàu, Hải quân Việt Nam đã làm ngược lại với cách rà phá của các nước trên thế giới. Họ kích nổ phía sau tàu, ta kích nổ trước mũi tàu. Nhờ phương pháp độc đáo này, chiến tranh thủy lôi của Mỹ đã hoàn toàn phá sản, không phong tỏa nổi các cửa biển miền Bắc”.
Năm 1997, Bộ Quốc phòng đã trao bằng chứng nhận Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát có đóng góp về giải pháp khoa học công nghệ vào công trình khoa học tập thể “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông 1967 - 1972” được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.
Từ năm 1976, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát được điều sang Bộ Hải sản làm Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ. Năm 1986, ông nghỉ hưu và về sống tại TP Đà Nẵng cho đến khi qua đời. Với những công lao và đóng góp của ông, ngày 23/2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 212/QĐ-CTN truy tặng Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.