Giống như Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu được tổ chức tại Singapore hồi tháng 6 năm 2018, lần này, công tác an ninh, bao gồm việc bảo vệ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng như đảm bảo an toàn ở các khách sạn nơi hai nhà lãnh đạo nghỉ, các tuyến đường hai Phái đoàn đi qua và địa điểm diễn ra Hội nghị được đặt lên hàng đầu.
“Tôi chưa thấy phía các đoàn khách nước ngoài có gì không hài lòng, họ đã khen ngợi Việt Nam. Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều khen Việt Nam, họ không chỉ khen vấn đề an ninh mà khen về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam rất hiếu khách, thân thiện. Đây là cơ sở để chúng ta nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh, trật tự”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, lực lượng an ninh Việt Nam đã bảo vệ từ Phái đoàn nhỏ đến Phái đoàn lớn, từ Đoàn tiền trạm đến Đoàn nguyên thủ với lực lượng người và xe rất đông. Trong khi đó, thời gian thông báo từ phía bạn rất muộn, công việc gấp gáp, lại không chủ động được lịch của hai Đoàn.
"Cái khó nhất là các đoàn đến lúc nào, làm cái gì, bao giờ đi đều do họ chủ động. Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ chuẩn bị và đảm bảo hậu cần tốt cho Hội nghị. Khâu chủ động không phải của ta mà phải phụ thuộc vào kế hoạch hoạt động của bạn. Thế nhưng Việt Nam đã làm rất tốt”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói.
Đoàn Chủ tịch Triều Tiên đã sang Việt Nam bằng đường bộ. Việc ông Kim Jong-un di chuyển nhiều giờ trên chặng đường 170 km từ Lạng Sơn về Hà Nội và ngược lại đã đặt ra thách thức, khó khăn không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông.
Theo Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), người trực tiếp chỉ huy Đoàn dẫn Chủ tịch Kim Jong-un, đây là hành trình đường bộ dài nhất của một nhà lãnh đạo nước ngoài khi tới thăm Việt Nam.
Trong 170 km đó, khó đi nhất là đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km với nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Đó là chưa kể đến những đoạn đường đang được nhà thầu thi công, gồ ghề, khó đi.
"Chúng tôi đã phải phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và nhà thầu bàn bạc cụ thể và tìm hướng giải quyết ngay lập tức”. Thế là, chỉ trong đêm 25/2, lực lượng chức năng đã rải thảm đoạn các đường trên, đặc biệt là khu vực ngã ba Kế (Bắc Giang) để đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn", Thiếu tướng Trần Quốc Trung cho biết.
Cục CSGT phải phối hợp với Tổng cục Đường bộ và Công an 4 địa phương trên tuyến gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn có phương án phân luồng giao thông từ xa, thông tin trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; khảo sát, đảm bảo an toàn toàn tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ, các rào chắn đường sắt và cầu vượt trên sông.
Tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, 100% cán bộ, chiến sĩ được huy động để phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh cùng nhiều lực lượng khác tổ chức chốt chặn xuyên suốt tuyến Quốc lộ 1A, ở các điểm giao cắt, không cho phương tiện ra vào tuyến đường cũng như phân luồng hướng dẫn các phương tiện lưu thông trong thời gian cấm đường.
Dọc tuyến Quốc lộ 1A, tại các ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt, khu dân sinh, công trường xây dựng đều có lực lượng Công an, kiểm soát quân sự cùng dân phòng đứng gác. Mỗi chốt gác có 5-6 người, vào vị trí từ lúc sáng sớm. Lực lượng công binh cũng sử dụng thiết bị chuyên dụng dò mìn khắp mọi vị trí dọc tuyến đường, từng chi tiết nhỏ ở vệ cỏ, bụi cây ven đường đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Người dân sinh sống khu vực gần tuyến đường có Đoàn xe ưu tiên đi qua được tuyên truyền, nhắc nhở những điểm cần lưu ý trong công tác đảm bảo an ninh...
CSGT luôn tập trung ở mức cao nhất. Ngoài tổ công tác của Cục CSGT, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã huy động 100% quân số ứng trực để thực thi nhiệm vụ dẫn đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump, hạn chế các phương tiện đi vào nội đô, phòng tránh tuyến đường mà hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đi qua.
"Lực lượng 141 cũng tham gia đảm bảo an toàn giao thông, sử dụng tối đa các phương tiện để phục vụ công tác. Để tạo sự thân thiện, hơn 20 chốt nữ chỉ huy điều khiển giao thông cũng đã được thực hiện...”, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết thêm.