Tương lai nào cho "ba chung"?

 Ba đợt thi ĐH, CĐ của kỳ thi tuyển sinh “ba chung” lần thứ 10 đã kết thúc với nhiều bất cập lộ diện. Ý tưởng cải tiến các kỳ thi này, đặc biệt giảm bớt một trong hai kỳ thi (THPT và ĐH), đã gần đi đến nhất trí trong công luận. Song vài năm nay, ý tưởng vẫn chỉ là... ý tưởng. Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm nhẹ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT theo nhiều hướng khác nhau...

Ba đợt thi ĐH, CĐ của kỳ thi tuyển sinh “ba chung” lần thứ 10 đã kết thúc với nhiều bất cập lộ diện. Ý tưởng cải tiến các kỳ thi này, đặc biệt giảm bớt một trong hai kỳ thi (THPT và ĐH), đã gần đi đến nhất trí trong công luận. Song vài năm nay, ý tưởng vẫn chỉ là... ý tưởng. Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm nhẹ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT theo nhiều hướng khác nhau...

Bao giờ hết cảnh cả xã hội căng thẳng vì tuyển sinh?

Sức ép ngột ngạt

10 năm sau ngày hình thức “ba chung” được triển khai, toàn xã hội vẫn vất vả và “nóng” cả lên trong cả mùa tuyển sinh. Ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, một kỳ thi với số lượng tập trung lên tới hơn 1 triệu thí sinh khắp cả nước đương nhiên sẽ gây áp lực rất lớn và tạo ra những xáo trộn lớn trong đời sống xã hội.

“Như trường tôi có tới 1.500 cán bộ được huy động tham gia các công tác tuyển sinh, tương tác thêm với gần 20.000 thí sinh, chưa kể người nhà các em cùng với các lực lượng ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia tổ chức cho kỳ thi này thì có thể thấy bao nhiêu người đã phải bỏ lại công việc của mình để tập trung cho việc thi cử” - ông Hinh nói.

Xuất phát từ thực tế thi cử nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Hinh phân tích rằng hiện ngành giáo dục đang tổ chức nhiều kỳ thi quốc gia quá liền nhau: “Thi đại học (ĐH) và thi tốt nghiệp THPT cách nhau có 1 tháng. Thí sinh đi thi ĐH còn chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Thế thì tại sao không nhập vào làm một? Vấn đề là công tác tổ chức thế nào. Ở đây đòi hỏi có một tổng công trình sư và đây có thể coi là một cuộc cách mạng đối với thi cử của chúng ta”.

Với việc tỷ lệ tốt nghiệp đang dần "cán đích" 100%, dư luận đặt câu hỏi rằng có nhất thiết cần tới hai kì thi vừa mệt mỏi, căng thẳng và tốn kém hay không? Phần đa ý kiến đều cho rằng, ở kì thi ĐH, CĐ do đối tượng rộng nên có thể tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong 1 năm, trước mắt có thể tổ chức hai lần, phù hợp với hai học kỳ của học chế tín chỉ trong các trường ĐH hiện nay.

Việc tổ chức nhiều lần thi trong 1 năm sẽ giải tỏa bớt sức ép về việc thí sinh chỉ có cơ hội thi duy nhất trong 1 năm, cũng làm giảm sự nặng nề của việc tổ chức quá đông thí sinh trong cả nước thi cùng một lúc. Hơn nữa, việc thi nhiều lần cũng tạo cơ hội cho các thí sinh đạt kết quả thấp có thể ôn luyện thêm để nâng cao năng lực và kết quả. Muốn được xét tuyển vào các trường ĐH, thí sinh cần có bằng tốt nghiệp phổ thông và kết quả kỳ thi kết hợp nói trên.

“Ba chung” - vẫn loay hoay?

Ở góc độ khác, ông Lương Khắc Hiếu - Hiệu phó Học viện Báo chí Tuyên truyền lại cho rằng, hiện nay thi “ba chung” vẫn là giải pháp ổn nhất với các trường. Vấn đề quan trọng là đề thi đã tạo ra một mặt bằng chung, bởi hiện nay đề thi đã hay hơn, ít sai sót hơn. Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng, vẫn cần thiết phải có hai kì thi bởi mỗi kì có một chuẩn khác nhau nên vấn đề là làm sao để phù hợp, đỡ tốn kém.

“Theo tôi, giáo dục là đào tạo nhân tài cho đất nước do đó tính hiệu quả không phải là tổng số tiền tiêu hết bao nhiêu cho một em dự thi mà là hướng tới đào tạo một thế hệ người lao động, đào tạo con người cho đất nước” - ông Hiếu nhận định.

Tiến sỹ Huỳnh Quang Đạt - Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính quốc gia bình luận: “Cái được của “ba chung” đó là đạt mục đích về mặt bằng chung ở những trường thực sự quan tâm tới chất lượng đầu vào. Còn với những trường làng nhàng mới thành lập vài năm trước khi cả nước dàn hàng ngang mở trường ĐH mới thì lại mong muốn tự chủ trong khâu tuyển sinh. Thế nên, hiện nay nhiều trường đang có nguy cơ không có đủ lượng tiến sỹ giảng viên, không đủ thí sinh và không tuyển đủ chỉ tiêu... khi chạy theo một số mục đích lợi nhuận trước mắt”.

Ông Đạt cho biết thêm: Có một thực tế là hiện nay, thí sinh đăng kí NV1 vào trường nào thì phải chắc chắn đỗ trường đó, nếu không cơ hội còn lại sẽ không mấy khả quan khi các em phải vào những trường, những ngành học không theo mong muốn, thậm chí lỡ cơ hội vào ĐH. Điều cân nhắc là chúng ta có nhất thiết phải thi chung đợt gây sức ép cho toàn xã hội hay không. Có lẽ đã tới lúc Bộ GD&ĐT nên chuyển “ba chung” thành “một chung”, nghĩa là Bộ chỉ nên quản lý ngân hàng đề thi để các trường có thể tổ chức các kì thi khác nhau vào nhiều thời điểm trong năm.

Do vậy, nếu chúng ta có khả năng quản lý tốt, thay vì “thắt chặt” đầu vào, thay vì vào ĐH bao nhiêu - ra bấy nhiêu, chỉ trừ những em quá ư yếu kém mới không thể tốt nghiệp. Vấn đề là chất lượng nhà trường thế nào, ở các nước, các trường chất lượng tốt không quá khó đầu vào nhưng đầu ra phải rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Cung - ĐH Hà Nội thì trong bối cảnh hiện nay, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là hết sức mạo hiểm, bởi trên 400 trường ĐH tới nay chưa thể tiệm cận về trình độ, chất lượng - nếu quản lý không khéo sẽ tạo lỗ hổng. Bộ chỉ có thể trao quyền tự chủ cho các trường có đủ năng lực mà thôi, do vậy “ba chung” cần duy trì trong một thời gian nữa.

Ông Cung cũng cho rằng, các trường thích tự chủ trong tuyển sinh chủ yếu là các trường ngoài công lập làm kinh tế, thích chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Liệu các trường tự chủ có thể đảm bảo về chất lượng hay không khi mà một số trường hiện nay chỉ tính lợi nhuận trên đầu sinh viên thì chẳng khác nào việc “buôn bán”.

Bỏ thi theo khối?

Bên cạnh đó, những năm lại đây, tỷ lệ thí sinh khối C giảm sút nghiêm trọng, cùng với đó là những lệch lạc về tâm hồn trong học sinh và giới trẻ. Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sỹ Huỳnh Quang Đạt cho rằng, trước hết đó là do khuynh hướng thực dụng, ai cũng muốn con mình thi vào các trường kinh tế, kĩ thuật do vậy các trường khối C chủ yếu ở khu vực Nhà nước, sự nghiệp lại bị lép vế.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự phát triển bền vững trong quản lý nhà nước lại có sự thiên lệch trong 5-10 năm tới. Khi mà các ngành xã hội chuẩn bị giá trị đạo đức, tâm hồn cho con người. Vậy nhưng, những giá trị đó bị giảm đi là điều đáng báo động. Trong cuộc sống, không phải là những ứng xử khô cứng như máy móc mà là con người với con người. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Quang Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho rằng, thí sinh thi vào ĐH bắt buộc phải thi cả hai môn Văn, Toán còn lại là môn chuyên ngành của từng trường. Ông lý giải, dù các em theo tự nhiên hay xã hội thì trước hết các em vẫn cần những kiến thức nhân văn để làm người - đó là việc cần làm đầu tiên với mỗi con người...

Cũng theo ông Đạt, có một điều dễ nhận thấy, ngoài những giá trị xã hội thay đổi thì hiện nay xu hướng học lệch cũng đã khá rõ ràng, khi học sinh theo ban nào chỉ biết ban đó. Không những thế, chúng ta đã thấy những bất cập về nhân cách của học sinh là do thiếu kĩ năng sống từ những kiến thức khoa học xã hội. Một học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không biết lịch sử, không biết cảm thụ và không biết những rung động thẩm mỹ thì đó là một thiệt thòi lớn.

Trong xu thế hội nhập ngày nay: Văn, Toán, Ngoại ngữ là 3 môn thiết yếu, là kiến thức nền tảng thì học sinh lại lệch lạc. Điều sai lầm này chính từ chương trình  phân ban ở phổ thông. Vấn đề là Bộ nên bỏ thi theo khối A, B, C, D, và thay vì Bộ quản lý tất cả các quy trình mà chỉ nên có ngân hàng đề thi để các trường chủ động các đợt thi.

Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga:

Đến năm 2015, “ba chung” mới có thay đổi

Năm nay đổi mới công tác thi cử là công việc trọng tâm song song với đổi mới cách học và cách thi ở phổ thông. Bộ dự kiến đến năm 2015 sẽ bắt đầu có những đổi mới với kỳ thi này vì không phải cứ nói là đổi được ngay. Bộ sẽ từng bước công bố lộ trình đổi mới. Hiện nay, với khoảng 2 triệu lượt thí sinh dự thi trong 3 đợt thi ĐH, CĐ trong khi chỉ tiêu vào khoảng 550.000 sinh viên thì có thể thấy nhu cầu cao gấp 3 lần khả năng đáp ứng của các trường.

Vì vậy, việc thi ĐH sẽ phải kéo dài một thời gian nữa. Bộ đang thay đổi mạng lưới mở rộng đào tạo ĐH, CĐ để phấn đấu đến 2020 sẽ đạt quy mô 4 triệu sinh viên, như vậy mỗi năm sẽ tuyển 1 triệu sinh viên đủ chỗ cho 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nếu các em có nhu cầu. Khi đó áp lực thi không còn và việc tổ chức thi đầu vào sẽ chỉ cần áp dụng với những trường đào tạo tinh hoa, bậc cao, nghiên cứu...

Bộ sẽ chỉ cần tập trung giám sát quá trình đào tạo của các trường này thay vì kiểm soát tuyển sinh đầu vào. Như thế mới có thể giải quyết được vấn đề tuyển sinh như bây giờ. Bộ luôn xác định cần phải đổi mới để kỳ thi này gọn nhẹ và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ đổi mới thi thì không hiệu quả.

Uyên Na  

Đọc thêm