Tướng Nhanh lên tiếng về hàng loạt vụ vỡ nợ triệu đô

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tâm lý tham lãi suất cao

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng vay nợ “tín dụng đen” đang diễn trên địa bàn thành phố. Theo Tướng Nhanh, hiện tình trạng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” đang xảy ra ở nhiều địa bàn, trước đây tập trung ở nội thành, trong thời gian qua, việc cho vay tín dụng đen đã lan rộng sang các vùng nông thôn, ngoại thành.
 GĐ Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh
GĐ Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh

Trung tướng Nhanh đã “điểm mặt” chỉ tên một số vụ cho vay tín dụng đen gần đây xảy ra trên địa bàn nội và ngoại thành nhằm cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác.

Tại địa bàn huyện Đan Phượng, lợi dụng tín nhiệm của bà con và người dân cũng như nắm bắt đựợc tâm lý của người cho vay tiền là muốn thu lãi suất cao, có tiền nhiều mà không phải lo về chi phí gửi gắm, vợ chồng ông chủ vốn được tiếng là “đại gia” ở thị trấn Phùng đã vay nợ hàng trăm tỷ đồng rồi cầm tiền thực hiện những phi vụ làm ăn của riêng mình.

Ông chủ tiệm vàng - Tạ Việt Quang (SN 1975) với vỏ bọc bên ngoài là doanh nhân trẻ hào phóng với mọi người xung quanh khu phố nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn bè làm ăn gần xa. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc vợ chồng Quang đã huy động được một số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thực chất số tiền mà vợ chồng Quang nắm giữ đó là những đồng tiền xương máu, tích cóp làm ăn bao năm của biết bao gia đình. Theo lời của những nạn nhân này, để có tiền cho vợ chồng Quang vay, họ đã phải cắm cả số đỏ, bán cả đất, vay nợ bạn bè để lấy tiền cho Quang vay. Lẽ dĩ nhiên trong cuộc “gửi gắm”  tiền này, người vay - người cho vay sẽ tự thỏa thuận với nhau về tiền lãi chênh lệch và hưởng phần trăm trong những phi vụ làm ăn ngoài.

Vạch trần những thủ đoạn gian dối

Một thực tế hiện nay là việc cho vay tín dụng đen vẫn đang hằng ngày diễn ra âm thầm. Người dân muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng không phải là điều quá khó. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lý và thiết chặt việc cho vay theo hình thức “tín dụng đen” này vẫn bị bỏ ngỏ. Vụ vỡ nợ ở Đan Phượng là một minh chứng cho điều đó.

Vợ chồng ông chủ tiệm vàng Quang - Quyên khá dễ dàng trong một thời gian ngắn đã có trong tay hàng trăm tỷ đồng. Để thực hiện được điều đó, Quang ngoài việc đánh trúng tâm lý của các “chủ nợ” đó là ham lợi, kiếm tiền nhanh, y còn nắm bắt được sơ hở của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại địa phương khi tỏ ra quá tín nhiệm với những “khách hàng quen thuộc”.

Đó cũng là thủ đoạn chính mà bà Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi, Quang Trung, Hà Đông) sử dụng để đánh lừa hàng chục gia chủ hiện đang là chủ nợ của gia đình bà lấy số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng. Chính việc “tin tưởng thái quá” vào những “ông bà chủ hờ” này mà nhiều gia đình đã rơi vào thảm cảnh đứng trước nguy cơ tan nát. Vợ chồng xung khắc, mâu thuẫn, con cái cũng vì thế mà ly tán.

Nhiều chủ nợ khi đến đòi lại số nợ mà mình cho vay, ngoài mảnh giấy viết tay cỏn con chỉ còn lại… “lời nói gió bay” mà hai bên đã thỏa thuận bằng miệng với nhau. Thậm chí, có nhiều người cho vay cũng không có thời gian để hiểu người mình cho vay tiền là người như thế nào? Có tiềm lực kinh tế đến đâu?.. Tất cả chỉ vì tham thố chút phần trăm chênh lệch cao hơn so với lãi suất trần của các ngân hàng nhà nước niêm yết.

Đứng trước tình trạng “tín dụng đen” đang làm mưa, làm gió như hiện nay, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tổ chức triệt phá những đối tượng có hành vi gian dối trong làm ăn, buôn bán. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về những tác hại của việc vay quỹ “tín dụng đen” bên ngoài.

Luật sư Nguyễn Văn Tú nhận định: hình thức cho vay bên ngoài mà người dân vẫn thường gọi là “tín dụng đen” hiện đang khá phổ biến. Cái được, cái mất trong những cuộc thỏa thuận này đúng như tên gọi của nó – đen. Nghĩa là may ăn, rủi chịu. Nó cũng đựợc hiểu là một cách lách luật hiện nay mà những đối tượng có “máu mặt” vẫn thường hay sử dụng. Nếu có xảy ra tranh chấp với nhau trong vụ việc này phần lớn chỉ là quan hệ xử theo hướng dân sự.

Nếu có yếu tố hình sự đi chăng nữa cũng dễ dàng thỏa thuận với nhau để hai bên đạt được mục đích mình muốn. Đó cũng chính là lý do khiến cho hình thức “tín dụng đen” này nhanh chóng phát triển. Không chỉ người dân bên ngoài nhảy xô vào mà ngay cả một bộ phận cán bộ là ngân hàng cũng dễ dàng tiếp tay cho việc làm sai trái này.
Theo GDVN

Đọc thêm