Tượng sáp nghệ sĩ - làm tốt hơn để thu hút du lịch

(PLO) - Mới đây, khu trưng bày tượng sáp các nghệ sĩ đã khai trương tại TP HCM. Là một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam, bảo tàng trưng bày tượng sáp nghệ sĩ đã nhận nhiều sự quan tâm và cả thông tin trái chiều.
Tượng sáp nghệ sĩ Trần Văn Khê.
Tượng sáp nghệ sĩ Trần Văn Khê.

Đầu tư “khủng” cho tượng sáp nghệ sĩ

150 bức tượng sáp nghệ sĩ, 30 tỷ đồng tiền đầu tư, được hoàn tất trong 16 năm là những con số “khủng” do đơn vị thực hiện dự án này công bố. Ngoại trừ một số tượng hơi “lỗi” so với nguyên mẫu ngoài đời về trang phục, đường nét, thần thái, tạo hình và bị đề nghị chỉnh sửa, phần đông tượng sáp nghệ sĩ nhận được sự khen ngợi của người tham quan về độ tinh xảo của tượng.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đánh giá cao sự chỉn chu của đơn vị thực hiện khi đầu tư vào cách bài trí khung cảnh phù hợp với tính chất công việc hay sự kiện của nhân vật được làm tượng. Cạnh tượng cũng có những bảng tóm tắt sơ lược về tên tuổi, quá trình làm nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ để người tham quan dễ theo dõi.

Trước đây, làm tượng sáp là công nghệ của nước ngoài, các nước Trung Quốc, Đài Loan... đã thực hiện từ khá lâu, nhưng những người có nhu cầu làm tượng sáp ở Việt Nam nếu muốn đều phải đặt hàng từ nước ngoài về với giá dao động trên dưới 500 triệu đồng. Khi đơn vị thực hiện tượng sáp nghiên cứu được chất liệu để chế tác ngay tại Việt Nam, giá thành giảm xuống chỉ còn 1/2.

Điều này cũng mở ra một hướng đầy tiềm năng cho lĩnh vực chế tác, tạc tượng ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành giải trí, du lịch. Các bảo tàng tượng sáp tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong hay Singapore từ lâu cũng đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch trong và ngoài nước.

Dự án tượng sáp còn thiếu chiều sâu

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tiếc nuối cũng được người tham quan đưa ra cho đơn vị thực hiện tượng sáp. Công chúng thắc mắc nhiều về tiêu chí để chọn nghệ sĩ làm tượng sáp, khi những nghệ sĩ trẻ, chưa có nhiều cống hiến như Trấn Thành, Issac hay nhiều nghệ sĩ hài không được đánh giá cao về chất lượng biểu diễn, nhưng có trong danh sách, cạnh nhiều “cây đa, cây đề” của lĩnh vực nghệ thuật như Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Út Bạch Lan, Minh Vương... Có lẽ, lựa chọn nghệ sĩ trẻ có tên tuổi trong làng giải trí như thế này, đơn vị thực hiện muốn hướng vào yếu tố “ăn khách” đối với giới trẻ.

Với bảo tàng tượng sáp trên thế giới, việc làm tượng sáp thường có những chủ đề nhất định như tái hiện lịch sử- văn hoá dân tộc; tượng sáp tái hiện môi trường sinh thái; trưng bày tượng sáp các nguyên thủ quốc gia, chính khách hay tượng nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng đến nền nghệ thuật trong nước và khu vực. Tuy nhiên, với khu trưng bày tượng sáp tại TP HCM, chủ đề mới chỉ rất chung chung là “nghệ sĩ Việt” với tiêu chí chưa rõ ràng. Đặc biệt, với những nghệ sĩ trẻ, mạnh về giải trí và chưa có cống hiến thực sự thì tượng chỉ có thể trưng bày ở một giai đoạn chứ không có tính bền vững, cũng như khó “tiếp thị” với du khách quốc tế.

Để dự án có ý nghĩa, đồng thời chinh phục khách tham quan trong nước lẫn quốc tế, không chỉ cần những tượng có trình độ điêu khắc tinh xảo, mỗi một tượng sáp đều nên gắn bó với văn hoá, lịch sử dân tộc.

Ví dụ, với các tượng sáp Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê hay Út Bạch Lan, chắc chắn du khách sẽ rất quan tâm bởi đây là những nhân vật có  cống hiến lớn trong các lĩnh vực nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng và gắn liền với những trang lịch sử- văn hoá của đất nước. Tương tự, với các nghệ sĩ như Minh Vương, Thành Lộc..., tính thuyết phục cũng sẽ cao với những đóng góp và thành tựu của các nghệ sĩ này trong nghệ thuật.

Về phần nghệ sĩ trẻ, có lẽ nên có những tiêu chí khắt khe và sâu sắc hơn. Ví dụ, có thể chọn những nghệ sĩ với những khoảnh khắc có tính “cột mốc” trong sự nghiệp, có thể đem lại “niềm tự hào Việt”, hoặc ghi dấu ấn quốc tế, ví dụ như tượng khoảnh khắc màn biểu diễn “đội đầu đi bộ” của hai anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp gây tiếng vang tại Tây Ban Nha, đạt kỉ lục Guiness thế giới.

Khu trưng bày tượng sáp là một dự án tầm triệu đô, với mục đích đầu tiên là quảng bá ngành làm tượng sáp trong nước, kế đến là bán vé tham quan... Số tiền đầu tư lớn này, nếu có sự lựa chọn tốt và bài bản hơn, có lẽ đây sẽ trở thành một điểm đến thu hút, không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước để tham quan, tìm hiểu văn hoá Việt thông qua những nhân vật văn hoá tiêu biểu. Tiếc là đầu tư cao, công sức lớn nhưng làm chưa tới, rất có thể sẽ khiến công chúng “cả thèm chóng chán” đối với loại hình này. 

Hy vọng, thời gian tới đơn vị chế tác sẽ có những thay đổi tích cực, có chiều sâu hơn để bảo tàng tượng sáp có thể “đi đường dài”, góp thêm một nét văn hoá vào đời sống giải trí sôi động của Sài Gòn.

Đọc thêm