Hôm nay (14/1), tại cầu đường sắt Sông Bồ (Thừa Thiên Huế), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ khánh thành Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP HCM, vượt tiến độ trước 8 tháng.
Phê duyệt, điều chỉnh mất... 6 năm
Mười năm trước, Bộ GTVT đã quyết định đầu tư Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM. Mục tiêu là để nâng cao an toàn chạy tàu; nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác cũng như dân sinh hai bên tuyến đường sắt trong phạm vi toàn dự án để từ đó rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên đường sắt Hà Nội – TP HCM.
Theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), dự án này sử dụng vốn vay ODA của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng đầu tư 37,153 tỷ Yên Nhật và 1.054 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước để khôi phục 44 cầu với tổng chiều dài 6.553m và hơn 45.000m đường sắt hai đầu cầu.
Đồng thời, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới nhà ga Ninh Bình...
Được biết, công trình (cầu Sông Bồ) đánh dấu sự “về đích” của toàn dự án này là một trong số 44 cầu đường sắt phải thay thế, đã được chuyển tuyến an toàn. Đây là một trong số ít cây cầu trên tuyến được thi công theo phương pháp cầu bê tông dự ứng lực, sử dụng ray liên kết trực tiếp (không dùng tà vẹt), đồng thời nắn tuyến so với vị trí cũ để nâng cao tốc độ chạy tàu.
Đối với các cầu còn lại đều được làm theo phương pháp sàng dầm.
Theo đó, các đơn vị thi công sẽ làm cầu mới bên cạnh cầu cũ; sau đó kéo cầu cũ ra ngoài bằng hệ thống tời, rồi đẩy cầu mới vào đúng vị trí cầu cũ trước đây.
Cụ thể, các cầu sông Vệ (Quảng Ngãi), sông La Hai (Phú Yên), cầu sông Dinh (Khánh Hòa) và nhiều cầu khác đều thực hiện theo giải pháp này và cũng sử dụng ray liên kết trực tiếp.
Trao đổi với PLVN về quá trình triển khai dự án, ông Nguyễn Cao Minh - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay: “Quyết định đầu tư dự án có từ năm 2004, nhưng do gặp phải một số khó khăn về công tác thiết kế, đấu thầu, nguồn vốn, mặt bằng... trong giai đoạn đầu nên dự án bị kéo dài nhiều năm và phải qua nhiều lần điều chỉnh.
Trên thực tế, thời gian thi công chỉ diễn ra trong 5 năm - kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên (6/2010) đến ngày hoàn thành cầu đường sắt sông Bồ (Gói thầu CP4) ở Huế”.
Tám tháng là "vàng"
Đến thời điểm này, các gói thầu thuộc dự án nói trên đã hoàn thành vượt tiến độ từ 6 - 8 tháng. Hầu hết các nhà thầu đều xác định được tầm quan trọng của công trình nên trong quá trình thực hiện dự án đã bố trí đủ nhân lực, thiết bị để thi công; tuy nhiên, do địa hình và điều kiện thời tiết của từng địa phương thuận lợi, khó khăn khác nhau nên thời điểm hoàn thành các gói thầu khác nhau.
Cụ thể, tại Bình Thuận, công trình cầu Sông Lòng Sông Lớn (Gói thầu CP3C) do liên danh TCty Xây dựng công trình đường sắt và Cty Rinkai (Nhật Bản) thi công - thời gian đầu tiếp cận mặt bằng cũng có khó khăn, nhưng sau hơn 1 năm nỗ lực, nhà thầu đã hoàn thành việc sang dầm mới vào vị trí chạy tàu an toàn tuyệt đối, vượt tiến độ hợp đồng 8 tháng.
Như những cây cầu được khôi phục trên tuyến, cầu Sông Lòng Sông Lớn đáp ứng được tốc độ chạy tàu khách 120km/h và 80km/h đối với tàu hàng.
“Tôi cho rằng, việc triển khai dự án này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Bắc – Nam mà còn là dịp để các nhà thầu nội như chúng tôi thể hiện năng lực của mình trong quá trình triển khai các dự án ODA, qua đó tạo niềm tin trong mắt các nhà tài trợ và chủ đầu tư”, ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc TCty Xây dựng công trình đường sắt nói.
Được biết, trước khi hoàn thành công tác khôi phục các cầu, trong năm qua, tiến độ dự án này đã được đẩy lên rất nhanh, nhiều cây cầu đã đưa vào sử dụng như: Trà Bồng, Sông Bồ, Sông Lòng Sông Lớn, cụm ga Ninh Bình mới và cầu đường sắt Ninh Bình.
Đặc biệt một số công trình trong số đó đã được Bộ GTVT, TCty Đường sắt Việt Nam gắn biển công trình “Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT” và “Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Công đoàn Đường sắt Việt Nam”...
“Việc hoàn thành 44 cầu thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vượt tiến độ từ 6 - 8 tháng quý giá như... vàng. Thực tế, sự nỗ lực thi công và rút ngắn thời gian hoàn thành công trình này không chỉ tránh được mùa mưa bão mà góp phần tăng năng lực chạy tàu, đem lại lợi ích kinh tế và khả năng cạnh tranh của ngành Đường sắt”, ông Đặng Sỹ Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định.
“Quyết định đầu tư dự án có từ năm 2004 nhưng do gặp phải một số khó khăn về công tác thiết kế, đấu thầu, nguồn vốn, mặt bằng... trong giai đoạn đầu nên dự án bị kéo dài nhiều năm và phải qua nhiều lần điều chỉnh. Trên thực tế, thi công chỉ diễn ra trong 5 năm - kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên (6/2010) đến ngày hoàn thành cầu đường sắt sông Bồ (Gói thầu CP4) ở Huế.”, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Nguyễn Cao Minh.