Tuyên Quang nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc giáo dục trong trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông dân tộc bán trú ( PTDTBT) từ 16,2% lên 20,5%. Thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 25/5/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, trong hai năm qua, UBND các huyện đã ban hành văn bản triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cấp xã, cấp huyện thực hiện các giải pháp, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.
Tuyên Quang nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc giáo dục

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh DTTS. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh đối với các trường PTDTNT; phê duyệt danh sách học sinh bán trú theo đúng quy định.

Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: Lê Hanh)

Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: Lê Hanh)

Riêng trong năm học 2021-2022, Sở đã tuyển 901 học sinh vào học tại trường PTDTNT; phối hợp với UBND các huyện phê duyệt danh sách 13.313 học sinh phổ thông được hưởng các chế độ hỗ trợ đối với học sinh bán trú. Năm học 2022-2023, tuyển 944 học sinh vào học tại trường PTDTNT; phối hợp với UBND các huyện phê duyệt danh sách 13.313 học sinh phổ thông được hưởng các chế độ hỗ trợ đối với học sinh bán trú.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng phối hợp UBND các huyện, thành phố rà soát, tiếp nhận, bố trí, sắp xếp, điều chuyển 72 cán bộ quản lý, giáo viên cho các trường PTDTNT, PTDTBT theo đúng quy định, đảm bảo cơ cấu, chất lượng đội ngũ để thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh DTTS. Phối hợp Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các tập huấn đặc thù về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người dạy, người học. Xây dựng cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị dạy học cho trường PTDTNT, PTDTBT, theo đó đã xây dựng mới 29 phòng ở bán trú, 05 nhà ăn, 9 công trình vệ sinh nước sạch, 33 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú.

Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ngành và địa phương, tỉnh Tuyên Quang đã từng bước mở rộng quy mô mạng lưới trường PTDTNT, PTDTBT. Hiện, toàn tỉnh có 07 trường PTDTNT (01 trường PTDTNT cấp THPT, 05 trường PTDTNT liên cấp THCS-THPT; 01 Trường PTDTNT THCS), với 3.039 học sinh, trong đó: 2.965 học sinh DTTS. Cùng với đó là 33 trường PTDTBT (04 trường cấp TH, 13 trường liên cấp TH-THCS, 16 trường THCS), với 15.133 học sinh, trong đó 14.714 học sinh DTTS.

Học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được học trong các trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: Lê Hanh)

Học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được học trong các trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: Lê Hanh)

Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã nỗ lực tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục trong trường PTDTNT, PTDTBT đạt 16,2%, mục tiêu hết năm 2023 là 20,5%.

Ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tham mưu bố trí đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các PTDTBT, đáp ứng công tác giảng dạy và quản lý học sinh bán trú theo quy định. Thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trường PTDTNT, PTDTBT. Đồng thời, thực hiện các giải pháp huy động học sinh tiểu học lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học và ở bán trú tại điểm trường chính, nhằm tăng tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học”.

Nhằm phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia ủng hộ của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Sắp xếp, điều chỉnh, bố trí biên chế, điều động giáo viên cho các trường PTDTNT, PTDTBT, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác, nội trú, bán trú.

Đọc thêm