Tuyển sinh đại học 2022 có gì mới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nhiều trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2022, không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, xu hướng chung các trường đều giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và một số trường sẽ thay thế bằng kì thi đánh giá năng lực.
Học sinh lớp 12 cần chuẩn bị cho mình các phương án thi và xét tuyển phù hợp. (Ảnh minh họa)
Học sinh lớp 12 cần chuẩn bị cho mình các phương án thi và xét tuyển phù hợp. (Ảnh minh họa)

Các trường linh hoạt thi, xét tuyển

Vừa qua, Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã thông báo sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT vào tháng 5/2022 để làm phương thức tuyển sinh.Kỳ thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm, năm 2022, Trung tâm có kế hoạch tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực với học sinh phổ thông, dự kiến từ tháng 2 đến tháng 8/2022 để sử dụng kết quả này xét tuyển vào các trường ĐH. Việc tổ chức nhiều đợt thi cũng tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở ĐH của nhiều quốc gia đã làm.

Tháng 2/2022, Trung tâm có thể tổ chức cho thí sinh tự do. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 cũng có thể tham gia thi. Hơn nữa, đề thi kiểm tra năng lực khác với kiểm tra kiến thức thuần túy. Các học sinh đều có thể thử sức vì nếu chưa đạt, sau 28 ngày có thể đăng ký thi lại lần mới.

Với mục tiêu sử dụng kết quả để phục vụ tuyển sinh diện rộng nên năm 2022, Trung tâm sẽ mở rộng hợp tác với nhiều trường ĐH trong khâu tổ chức. Đây sẽ là một kỳ thi được tổ chức linh động nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch. Để chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, các bên liên quan sẽ phối hợp xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về phương án phối hợp, để tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia thi.

Ở phía Nam, các trường đã có kỳ thi riêng ở những năm trước như: Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Sư phạm TP HCM... Về dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2022, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), trong 2 năm 2020 và 2021, trường dành tỉ lệ chỉ tiêu cho phương án xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM lần lượt là 70% và 60%.

Trong buổi “Tư vấn tuyển sinh: Kỳ thi đánh giá tư duy 2022” trực tuyến, đại diện ĐH Thủy lợi đã thông báo chỉ tiêu dự kiến của trường là khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo. PGS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Thủy lợi cho biết, năm 2022 trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Còn ĐH Giao thông vận tải sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chủ đạo, chiếm từ 40 đến 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Các phương thức còn lại là xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; và xét kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Tại ĐH Xây dựng Hà Nội, theo PGS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng, phương thức tuyển sinh của trường là dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, ĐH Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022. Trường tuyển sinh bằng 3 phương án và thay đổi đáng kể về số chỉ tiêu. Theo đó, trường dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Đâu là phương án tối ưu?

Tuy nhiên, hai năm qua cho thấy, việc tuyển sinh ĐH dựa trên điểm thi tốt nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập bởi hai kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH có tính chất, mục tiêu khác nhau. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho tất cả các thí sinh có tính chất đại trà theo chuẩn đầu ra cấp học để lấy bằng tốt nghiệp. Còn kỳ thi tuyển sinh ĐH chiếm khoảng 30% học sinh THPT hàng năm, đề thi có độ phân hóa cao, độ khó cao hơn nhiều so với thi tốt nghiệp.

Theo TS Toán học Lê Thống Nhất, năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp có độ phân hóa và độ khó thấp, nên thí sinh xuất sắc cũng chỉ đạt điểm 10 là tối đa và thí sinh ở mức khá cũng có thể đạt điểm 10. Điều đó dẫn tới điểm tuyển sinh ĐH bị đẩy lên quá cao, không thực chất.

Mặc dù việc tổ chức 1 kì thi tốt nghiệp để làm căn cứ tuyển sinh ĐH về hình thức bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, lại tiết kiệm kinh phí cho người dân và các trường ĐH nhưng do những bất cập nói trên dẫn đến thước đo không chính xác. Do đó, nhiều trường phải tổ chức các kì thi bổ sung, như bài thi kiểm tra năng lực, thi ngoại ngữ, xét học bạ... càng thêm rắc rối, tốn kém. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực, thay vào đó là hình thức xét tốt nghiệp, giao việc tuyển sinh ĐH về cho các trường như trước đây.

Phương án thứ 2 là thành lập một số trung tâm khảo thí quốc gia và vùng, độc lập với các trường ĐH, có nhiệm vụ tổ chức thi, đánh giá năng lực học sinh tốt nghiệp THPT để các trường ĐH làm căn cứ tuyển sinh. Các kì thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm, tạo thuận lợi cho thí sinh. Các em có thể thi một lần để lấy kết quả thi cho nhiều trường ĐH.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiện nay, cả nước có 3 cơ sở giáo dục ĐH lớn đủ năng lực để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Để tăng độ tin cậy, 3 trường ĐH nên có khảo sát, phân tích dữ liệu để đánh giá sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực hằng năm có đáp ứng được chất lượng đầu vào như mong đợi hay không? Từ đó đổi mới, hướng tới mục tiêu chuẩn hóa đề thi, đảm bảo tính phân loại và chất lượng tuyển sinh đầu vào.

Có thể nói, thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn đúng thí sinh phù hợp. Thí sinh có năng lực cũng có thể đỗ ĐH sớm, vào được trường ĐH mình yêu thích mà không phụ thuộc quá nhiều vào kì thi tốt nghiệp như trước đây.

Đọc thêm