Tuyển sinh đại học 2024: Cuộc đua đa sắc màu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT được giữ ổn định từ năm 2022 tới nay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh. Do vậy nhiều trường công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2024…
Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)
Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)

Các trường tốp trên “nói không” xét tuyển học bạ

Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã và đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT dù còn khoảng 5 tháng nữa tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10 đến 31/1. Trường này dự kiến tuyển hơn 1.000 sinh viên, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023. Nhà trường tổ chức 3 đợt tuyển sinh, trong đó 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 đợt sau kỳ thi tốt nghiệp.

Trường ĐH Gia Định (TP HCM) đã “mở cổng” xét tuyển học bạ THPT để thí sinh có thể ứng tuyển. Đây là phương thức xét tuyển chính của trường. Năm nay, trường này dự kiến tuyển hơn 2000 sinh viên, trong đó dự kiến dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ xét học bạ. Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên có thể tham gia xét tuyển.

Từ ngày 6/1, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) mở đăng ký xét học bạ đợt 1 cho 36 ngành đào tạo. Thí sinh có thể lựa chọn xét 3 học kỳ hoặc tổ hợp điểm ba môn lớp 12 với tổng điểm từ 18 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên)…

Đồng thời, năm nay nhiều trường ĐH sư phạm sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển khoảng 4.400 sinh viên, giữ ổn định 5 phương thức gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ, dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, và xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu. Trường xét tổng điểm trung bình lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn, tùy ngành, cộng với điểm ưu tiên. Ngoài ra, trường còn xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ, với thí sinh có hạnh kiểm khá trở lên, thi vào ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh. Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng dự kiến tiếp tục xét tuyển kết hợp điểm học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức với tổng chỉ tiêu khoảng 40%...

Ở chiều ngược lại, nhiều trường ĐH tốp trên thông báo từ chối xét tuyển bằng học bạ. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2024 với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% chỉ tiêu và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Trong khi đó, vào các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Những năm qua, qua rà soát, nhà trường nhận thấy những học sinh trường chuyên có kết quả học tập tốt đa phần đủ điều kiện trúng tuyển theo nhiều phương thức khác, chẳng hạn như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc điểm cao trong các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, nhiều em không đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức khác đã sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhưng đa phần khi theo học tại trường có kết quả học tập không tương đồng với điểm đầu vào. Hơn nữa, việc bỏ xét tuyển học bạ cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ ảo vì một số em có thể sử dụng theo nhiều phương thức...

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, những trường ĐH bỏ xét tuyển bằng học bạ là những trường có uy tín, có sự cạnh tranh rất cao. Đã có những trường ĐH khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy rõ ràng, việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27-29 là không đủ độ tin cậy. Do đó, ông Phương cho rằng, việc một số trường ĐH tuyên bố không dùng điểm học bạ để xét tuyển sinh cũng có nguyên nhân.

Theo TS Đông Phương, nếu làm trung thực, loại trừ được việc “sửa điểm” điểm học bạ có thể giúp theo dõi quá trình học của một học sinh, từ đó cũng dễ so sánh các thí sinh với nhau hơn. Trong khi điểm thi có thể mang tính nhất thời, thậm chí có trường hợp “học tài thi phận”.

Thực tế, đây là phương án nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phương thức xét tuyển học bạ được nhiều trường đại học đánh giá là “dễ” tuyển sinh nhưng khó bảo đảm tính công bằng. Đơn cử tình trạng “làm đẹp học bạ”, hoặc học bạ của học sinh giữa các vùng miền sẽ không tương đương, sẽ khó bảo đảm chất lượng đầu vào và công bằng giữa các thí sinh…

Không làm rối thí sinh

Tuyển sinh dù phương thức nào cũng cần bảo đảm chất lượng đầu vào. (Ảnh minh họa: ĐH Quốc gia Hà Nội)

Tuyển sinh dù phương thức nào cũng cần bảo đảm chất lượng đầu vào. (Ảnh minh họa: ĐH Quốc gia Hà Nội)

Về việc nhiều trường tốp trên nói không với xét tuyển bằng học bạ, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là điều bình thường. Một số trường có thể sử dụng hoặc không sử dụng một vài phương thức tuyển sinh nhất định cho các ngành đào tạo nhất định.

Đối với các trường ĐH, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần một kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Trường có đào tạo những ngành đặc thù cần các kỳ thi năng khiếu riêng… Trong khi đó, với trường ĐH đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được. Các em này cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

Bà Thủy nhấn mạnh, tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm được chất lượng đầu vào của thí sinh. Đó là thí sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay, quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Mới đây, một số trường đã công bố các phân tích đối sánh và phân tích tương quan để xem xét phương thức tuyển sinh tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên khi vào học ĐH. Kết quả phân tích này đưa đến việc các trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức... một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.

Nói thêm về phương thức tuyển sinh của các trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, “ tới đây, chúng tôi sẽ công bố số liệu tuyển sinh năm 2023 để các trường, thí sinh và toàn xã hội có thông tin nhằm có thể ra các quyết định phù hợp nhất”. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng nhấn mạnh, các trường cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng những đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Bà Thủy cho rằng, đối với những trường quan tâm đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại nhiều hiệu quả, trong khi lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm một số thí sinh giỏi bỏ lỡ cơ hội khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung…

Do đó theo bà Thủy: “Các trường cần ưu tiên phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc ĐH với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. Các trường tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối cho thí sinh”.

Một số lưu ý dành cho thí sinh

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH ( Bộ GD-ĐT): Từ nhiều năm nay các thí sinh đã học tốt, có năng lực tốt thì dù đánh giá theo cách này hay cách khác thì đều không cần phải băn khoăn, vì đều đánh giá đúng năng lực của thí sinh, phù hợp với yêu cầu của trường, của ngành đào tạo.

Thí sinh xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng đề án tuyển sinh của các trường đã công bố. Thực chất các thí sinh đều đã có thời gian khá dài để chuẩn bị chứ không phải chờ đến học kỳ cuối cùng của năm lớp 12 mới bắt đầu chuẩn bị. Hầu hết các trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước, có thể thay đổi phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Các thí sinh nghiên cứu kỹ thông tin này để đăng ký xét tuyển phù hợp. Thí sinh cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT: là điều kiện cần để vào học ở bậc ĐH cùng với đó là chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển mà các em có lợi thế, hoặc đã nghiên cứu theo đuổi từ trước. Chuẩn bị đúng các hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là khi các trường có tổ chức xét tuyển sớm).

Lưu ý, cho dù các em có tham gia xét tuyển sớm và có kết quả là đã trúng tuyển sớm thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT thì nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.

Hệ thống sẽ hỗ trợ sắp xếp các nguyện vọng, sử dụng tất cả các kết quả, dữ liệu có thể dùng để XT đã được cung cấp, để sao cho các em trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên nhất trong số các nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Không nên tập trung các nguyện vọng xét tuyển chỉ vào một số ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh đều ở mức cao (tránh rủi ro là không đạt 1 nguyện vọng nào vì mức độ cạnh tranh quá cao). Cách đơn giản nhất, mà lại tốt nhất, hiệu quả nhất cho thí sinh là xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường vào ngành mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực… nhất lên trên. (Kết quả trúng tuyển không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng thí sinh sắp xếp, mà thí sinh nào có năng lực cao hơn sẽ được chọn trúng tuyển trước). Đây chính là tính ưu việt của Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

Đọc thêm