Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 dự kiến có một số điểm mới so với năm 2018 nhằm siết chặt điều kiện tuyển sinh. Theo đó, không chỉ ngành đào tạo giáo viên mà cả các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Sẽ có “điểm sàn”cho ngành sư phạm và chăm sóc sức khỏe?
Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT chính thức bỏ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng “điểm sàn” đại học, cao đẳng, trừ ngành đào tạo sư phạm. Theo dự kiến, từ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, không chỉ có ngành sư phạm mà cả ngành chăm sóc sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cũng sẽ áp dụng quy định điểm sàn do Bộ GD&ĐT xây dựng.
Và để tránh tình trạng nhiều thí sinh hiểu lầm như năm trước rằng “phải có học lực giỏi mới được đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm”, Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh hiểu chính xác về điều kiện đăng ký tuyển sinh vào các trường sư phạm.
Theo Quy chế 07/2018/TT-BGDĐT về tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, quy định thí sinh xếp loại học lực giỏi năm lớp 12 mới được vào trường sư phạm chỉ áp dụng khi các trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT trong học bạ; còn đối với những trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia vẫn phải áp dụng theo đúng mức “điểm sàn” do Bộ GD&ĐT quy định.
Dự kiến năm 2019, điều kiện này cũng sẽ áp dụng cho các trường có đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe. Theo đó, nếu thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường có đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe theo phương thức xét tuyển học bạ thì phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, còn nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì phải đạt “điểm sàn” theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, năm 2019 cũng là năm Bộ GD&ĐT tiếp tục siết chặt điều kiện tuyển sinh của các trường thông qua việc kiểm tra, giám sát các trường tuân thủ quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đội ngũ...
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những cơ sở vi phạm quy định về tuyển sinh và chưa đạt điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời công khai những cơ sở vi phạm để thí sinh và xã hội nắm rõ.
Ngoài ra, trước thời điểm tuyển sinh, các cơ sở phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là công khai mức học phí, tránh tình trạng nâng học phí bất thình lình, gây khó khăn cho người học, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Một quy định bắt buộc đối với các trường từ kỳ tuyển sinh năm 2019 là phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy ra trường có việc làm trong 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Đây không chỉ là “thước đo” giúp thí sinh lựa chọn trường có chất lượng, mà còn là căn cứ để cơ quan quản lý giám sát chất lượng đào tạo.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác; thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.
Thí sinh tự do không thi riêng
Mới đây, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Kim Phụng,Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã công bố những thông tin quan trọng về mùa tuyển sinh năm 2019.
Theo đó, dự thảo về quy chế thi và tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới. Đáng chú ý, dự kiến, thí sinh hệ tự do, giáo dục thường xuyên sẽ được thi chung với thí sinh hệ trung học phổ thông, không ngồi thi riêng như những năm trước. Đây là việc nhằm đảm bảo không có sự phân biệt đối xử nào, hoàn toàn bình đẳng giữa thí sinh các hệ.
Khác với năm trước, năm nay, sau khi có công bố kết quả phúc khảo bài thi, có sự thay đổi về kết quả, thì hội đồng thi sẽ có thông báo mới về điểm thi, thu lại kết quả ban đầu của thí sinh, nhằm đảm bảo thí sinh có một kết quả thống nhất sau khi phúc khảo. Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, tuyển sinh năm 2019 dự kiến sẽ có thêm nhiều điều chỉnh.
Học sinh hệ trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu có bằng trung cấp nghề, chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên (cộng 2 điểm nếu loại xuất sắc, 1,5 điểm nếu loại khá, trung bình khá, 1 điểm với loại trung bình).
Đồng thời theo bà Phụng, Bộ khuyến khích các trường tham gia các nhóm xét tuyển để thuận lợi hơn cho các trường và hệ thống xét tuyển chung trong việc lọc ảo và xét tuyển. Năm 2018, nhóm xét tuyển phía Bắc có 53 trường tham gia, nhóm phía Nam có 86 trường.
Bộ đang cân nhắc cho phép thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường sau đó chọn trường để nhập học, không giới hạn chỉ trúng tuyển 1 trường như hiện nay. Phương án này Bộ đang cân nhắc để xem xét áp dụng trong thời gian tới.