Tuyển sinh Đại học năm 2023: Các trường đại học tự chủ, cạnh tranh minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy cho rằng các trường cần hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Sẽ hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa. (Ảnh minh họa)
Sẽ hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa. (Ảnh minh họa)

Phương thức xét tuyển tránh nhầm lẫn cho thí sinh

Trước thực tế xét tuyển đại học vừa qua có quá nhiều phương thức do các trường tự đặt ra dẫn đến khó khăn cho thí sinh, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học với giáo dục đại học mới đây, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tới việc “các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa”.

Năm 2022, có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng.

Trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 này là 567.018 (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, một trong những mặt đạt được của các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 là đổi mới và hoàn thiện công tác tuyển sinh. Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.

Bà Nguyễn Thu Thủy nhận định, điều này đã mang lại những kết quả tích cực khi thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến. Đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các cơ sở đào tạo lựa chọn thí sinh phù hợp nhất; Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố... Theo đó, các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục. Trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Còn lúng túng khi tự chủ theo luật

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Cùng với đó, công tác tự chủ đại học có nhiều chuyển biến tích cực, kiểm định chất lượng được quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận tăng khá mạnh, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm chú trọng.

Hiện cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 90,6%. Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Mặt khác, các trường chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Về kiểm định chất lượng, tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở giáo dục đại học đã kiểm định chu kỳ 1. Trong đó có 44 cơ sở giáo dục đại học đã kiểm định chu kỳ 2 và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín. Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như: các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings”…

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng nhanh qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn quốc dần đi vào thực chất. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Đó là việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật còn chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD-ĐT mới ban hành còn có lúng túng nhất định, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Trong đó nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai còn chậm; công tác tuyển sinh có những điểm mới truyền thông chưa thực sự kịp thời… Do đó, các trường cần chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục đại học, đổi mới nội dung, phương thức truyền thông tới rộng rãi thí sinh và xã hội, theo bà Thủy.

Đọc thêm