Tuyển sinh đại học năm 2023: Nhiều chính sách ưu tiên mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023. Một số điểm mới quan trọng như cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng, chính sách ưu tiên mới lần đầu được áp dụng.
Tuyển sinh ĐH năm 2023 sẽ đơn giản hóa đăng ký xét tuyển, tránh nhầm lẫn cho thí sinh. (Ảnh minh họa)
Tuyển sinh ĐH năm 2023 sẽ đơn giản hóa đăng ký xét tuyển, tránh nhầm lẫn cho thí sinh. (Ảnh minh họa)

Đơn giản hóa đăng ký xét tuyển

Năm nay, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên công tác tuyển sinh sẽ trở lại sớm như trước đây. Dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 14/8 để các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) có thể khai giảng năm học mới từ tháng 9/2023.

Nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh.

Theo số liệu thống kê, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39% (cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020). Trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cũng chỉ ra một một số tồn tại, hạn chế trong kỳ tuyển sinh năm 2022 như vẫn còn một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Một số phương thức xét tuyển không có thí sinh nhập học. Còn hiện tượng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…

Để khắc phục những hạn chế trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH năm 2023 chính là đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm 2022. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, thi tư duy… Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển.

Chính sách ưu tiên mới

Năm 2023, một số điểm đã quy định trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng như quy định cộng điểm ưu tiên giảm dần đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30).

Cụ thể, cách tính điểm ưu tiên như sau: Điểm ưu tiên = [(30-Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định. Cũng từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Với cách tính điểm này, điểm của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp để hạn chế thí sinh có ngành 30 điểm vẫn trượt. Như vậy, thí sinh đạt 30 điểm không còn điểm ưu tiên. Đồng nghĩa, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Về mức điểm 22,5 trở lên mới được tính điểm ưu tiên, đại diện ĐH Thái Nguyên bày tỏ, tại sao Bộ GD&ĐT không đặt ngưỡng giảm điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt từ 20 điểm? Đơn cử 20 điểm dùng phép chia cho 10 sẽ phần nào thuận lợi hơn trong việc cộng điểm. Không rõ bộ dựa trên cơ sở dữ liệu nào để đưa ra mức điểm 22,5?...

Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết mức điểm này được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, phân tích dữ liệu. Sau khi phân tích và nhận thấy sự bất hợp lý, Bộ có sự điều chỉnh và đưa ra mức điểm đó, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có thông tin qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại.

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Do đó, việc cộng điểm ưu tiên mới đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Liên quan đến quá trình xét tuyển, phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đồng thời đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển Loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Bộ cũng yêu cầu các trường phải có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, việc tuyển sinh ĐH, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Với gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội. Sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện, trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch.

Đối với toàn xã hội, việc các lĩnh vực đào tạo, các ngành nghề được các em sinh viên lựa chọn, sẽ tác động tới phát triển nguồn nhân lực trình độ cao… đóng góp cho việc tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội, đất nước.

Vì vậy theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường ĐH mà là sân chơi chung của các trường ĐH trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục ĐH.

Đọc thêm