Tuyển sinh đại học thay đổi ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 2024 là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ (Chương trình giáo dục phổ thông 2006), vậy kỳ thi năm nay có gì đặc biệt? Tuyển sinh 10 năm qua đã có những đổi mới theo từng năm cho phù hợp ra sao?.
Mùa tư vấn tuyển sinh 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
Mùa tư vấn tuyển sinh 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Kỳ thi năm nay có gì mới?

Tại Chương trình Tư vấn mùa thi 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, GS.TS. Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã đưa ra những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các trường đại học với nhiều lưu ý.

Theo GS.TS. Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đạt 3 mục tiêu: để xét tốt nghiệp, để các trường đánh giá quá trình dạy và học của 3 năm và để sử dụng kết quả đó xét tuyển đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. GS.TS. Huỳnh Văn Chương đưa ra những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các trường đại học để học sinh lưu ý.

Theo đó, một điểm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đó là định dạng cấu trúc đề thi hoàn toàn giống với năm ngoái. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý một số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao sẽ hướng đến thực tiễn và có sự phân hoá cao hơn để giúp cho bên cạnh xét tốt nghiệp thì các trường đại học có thể sử dụng để phân hoá học sinh và xét tuyển đại học. Do vậy, có một số câu tiệm cận với việc đánh giá năng lực và hướng đến việc thi năm 2025.

Về những quy định về chứng chỉ, điểm cộng, miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: “Với phương châm giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023, đặc biệt là như năm 2023. Năm nay, việc miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp vẫn được áp dụng như những năm qua để không gây xáo trộn cho thí sinh.

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT được công bố cũng mở rộng các loại chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng trong việc miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp. Những chứng chỉ này là những chứng chỉ uy tín, đã được Bộ GD&ĐT công nhận tại các văn bản khác nhau và sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân nhiều năm.

Năm nay, việc miễn thi bài ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp vẫn được áp dụng như những năm trước để không gây xáo trộn cho thí sinh.

Theo ông Chương, mốc thời gian này có thể sớm hơn các năm trước để các em nghiên cứu kỹ và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế sẵn sàng, chủ động cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và không lo lắng.

Năm 2024 là năm cuối cùng học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vậy trường hợp thí sinh không đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, các năm sau thí sinh sẽ thi lại tốt nghiệp THPT như thế nào nếu không học chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018)?

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: “Các em đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 yên tâm và không phải lo lắng việc này, theo quy định hiện hành, học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông nào thì sẽ được thi theo Chương trình giáo dục phổ thông đó. Tức là nếu các em học 3 năm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006”.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Bộ GD&ĐT đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp riêng dành cho những thí sinh trượt trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 vào thời điểm thích hợp trong năm 2025. Do đó, học sinh yên tâm, sẽ không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo tải kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thi năng khiếu... (nếu có) lên hệ thống. Đồng thời, việc đăng ký xét tuyển tiếp tục được đơn giản hóa, thuận lợi cho thí sinh.

Và những thay đổi 10 năm qua

Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2024, công tác tuyển sinh cơ bản ổn định như những năm trước. Đây cũng là năm thứ 10 thực hiện đổi mới tuyển sinh từ năm 2015.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Năm 2017, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Năm 2018, các trường được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Năm 2019, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Năm 2020, bổ sung điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng; Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy. Năm 2022, các trường đại học: Sư phạm Hà Nội Hà Nội, Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh… tổ chức kỳ thi riêng. Các trường thuộc Bộ Công an tổ chức thi riêng để lấy kết hợp với điểm thi THPT, điểm học tập bậc THPT để xét tuyển. Năm 2024, hình thành nhóm sáu cơ sở đào tạo (Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau.

Về xét tuyển, năm 2015, trong xét tuyển đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào một trường, thời gian đăng ký khoảng tháng tám, nếu thay đổi nguyện vọng phải đến trực tiếp cơ sở đào tạo. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tại cơ sở đào tạo. Đợt xét tuyển bổ sung: thí sinh không được rút hồ sơ. Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phiếu và nộp tại cơ sở đào tạo.

Năm 2016, đợt 1, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển tối đa vào hai trường, mỗi trường không quá hai ngành. Trong các đợt bổ sung: thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường, mỗi trường không quá hai ngành. Năm 2017, thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi; chỉ trúng một nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất. Năm 2021, đăng ký xét tuyển bằng phiếu hoặc trực tuyến (nơi có điều kiện), thời gian đăng ký cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa ba lần. Năm 2022, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Năm 2023, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành - trường, không cần chọn phương thức xét tuyển.

Về điểm mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Năm 2015, điểm ưu tiên khu vực: KV1: 1,5 điểm, KV2NT: 1,0 điểm, KV2: 0,5 điểm, KV3 không hưởng ưu tiên. Ưu tiên đối tượng: Nhóm 1: 2,0 điểm; Nhóm 2: 1,0 điểm. Năm 2018, giảm ½ điểm ưu tiên khu vực; cụ thể: KV1: 0,75 điểm, KV2NT: 0,5 điểm, KV2: 0,25 điểm, KV3 không hưởng ưu tiên. Ưu tiên đối tượng giữ nguyên như năm 2017. Năm 2022, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Năm 2023, điểm ưu tiên giảm dần từ 22,5, tối đa điểm xét tuyển (đã cộng ưu tiên) là 30 điểm.

Về điểm mới xét tuyển, lọc ảo: Năm 2015, điểm môn xét tuyển làm tròn đến 0,25. Các cơ sở đào tạo chủ động tự xét tuyển. Năm 2016, tổng điểm các môn thi làm tròn đến 0,25. Hình thành nhóm xét tuyển (nhóm GX). Năm 2017, hình thành các nhóm xét tuyển và lọc ảo: Nhóm phía Bắc, Nhóm phía Nam. Bộ lọc ảo chung phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2018, điểm xét tuyển làm tròn đến hai chữ số thập phân. Các cơ sở đào tạo được xét tuyển nhiều đợt trong năm. Năm 2022, tất cả các nguyện vọng (theo các phương thức xét tuyển) của thí sinh đều được lọc ảo trên hệ thống chung. Năm 2023, xét tuyển tất cả các phương thức do cơ sở đào tạo công bố cho các nguyện vọng thí sinh đăng ký đủ điều kiện xét tuyển.

Năm 2015, điểm thi tốt nghiệp của thí sinh được cập nhật hệ thống chung. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển. Năm 2017, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống chung để xét tuyển. Năm 2018, liên thông giữa các hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung với hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu. Năm 2023, các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đưa kết quả thi lên hệ thống chung để các cơ sở đào tạo dùng xét tuyển.

Năm 2024, liên thông giữa các Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung với Hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Dự kiến hỗ trợ các trường có tổ chức thi năng khiếu đưa dữ liệu lên hệ thống chung.

Về điểm mới chỉ tiêu tuyển sinh: Năm 2018, các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (trừ ngành đào tạo giáo viên Bộ GD&ĐT giao). Nếu đã kiểm định cơ sở giáo dục (còn hạn) được tăng không quá 120%. Năm 2019, nếu ngành được kiểm định thì chỉ tiêu ngành được tăng theo năng lực. Năm 2021, cơ sở đào tạo được kiểm định thì được tăng theo năng lực. Chỉ tiêu vừa làm vừa học tăng từ 30% lên 50% so chỉ tiêu chính quy đối với các nhóm ngành đào tạo giáo viên và văn hóa nghệ thuật. Từ năm 2023, chỉ tiêu vừa làm vừa học được tính theo năng lực chính quy (không theo chỉ tiêu chính quy do Bộ GD&ĐT thông báo hoặc trường xác định).

Năm 2018, đề án tuyển sinh phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng. Năm 2019, thí sinh xác nhận nhập học phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Năm 2020, dừng tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Năm 2023, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có một phần mục đích nhằm cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Tuy nhiên, từ năm 2025 sẽ có một số điểm mới như: Thí sinh học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; có thêm một số môn thi khác và không còn tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội như hiện nay. Công tác tuyển sinh từ 2025 dự kiến cơ bản vẫn ổn định.

Đọc thêm