Tuyển sinh ĐH 2023: Thí sinh cần khai báo thông tin trung thực, chính xác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều lưu ý mới nhất tới thí sinh khi đăng ký xét tuyển.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn khó đăng ký xét tuyển do nghẽn mạng

Theo Bộ GD-ĐT, sau hai ngày thí sinh đăng ký tuyển sinh, số liệu thống kê thí sinh đăng ký dự thi trên Hệ thống Quản lý thi là: 383.783 thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do: 23.770 (chiếm 6.19%); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 85.123 (chiếm 22.18%); thí sinh chỉ xét tuyển sinh: 3.606 (chiếm 94%); thí sinh đăng ký trực tuyến: 362.219 (chiếm 94.38%); thí sinh đăng ký trực tiếp: 21.569 (chiếm 5.62)…

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tại một số thời điểm, số lượng thí sinh truy cập đồng thời vào Hệ thống Quản lý thi tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng nghẽn mạng khi truy cập vào Hệ thống tại một số địa phương. Bộ phận trực kỹ thuật của Hệ thống đã triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật xử lý nên hệ thống đã hoạt động ổn định bình thường. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố danh mục mã xét tuyển của 20 phương thức tuyển sinh do Bộ quy định. Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải cung cấp cho thí sinh thông tin về các phương thức xét tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành và phải xét tuyển tất cả các phương thức xét tuyển cho thí sinh nếu thí sinh có đăng ký xét tuyển và đủ điều kiện xét tuyển.

Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những nhóm ngành, ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện; khai báo, cung cấp đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả thông tin đăng ký dự tuyển; đặc biệt, thông tin nơi thường trú của thí sinh ở các giai đoạn sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra và xác thực trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ GD-ĐT quy định, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và phải phản ánh lại với người có trách nhiệm nơi thí sinh học cấp THPT để cập nhật và sửa các lỗi sai (nếu có), hoàn thành 17h00 ngày 20/6/2023.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên Hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 15/6 đến ngày 20/7/2023.

Theo quy định, từ ngày 10/7 đến 17h00 ngày 30/7/2023, thí sinh có quyền đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các nhóm ngành, ngành hoặc chương trình đào tạo phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ ngày 31/7 đến 17h00 ngày 06/8/2023, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trước 17 giờ 00 ngày 06/9/2023, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Không để thí sinh đã trúng tuyển nhưng “trượt” khi nhập học

Dù có nhiều phương thức xét tuyển nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ thí sinh nhập học nhiều nhất vẫn tập trung vào hai phương thức là xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và học bạ. Do đó, đối với các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ, đúng cấu trúc, định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh... Trong đó, triển khai áp dụng quy định về điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 cho tất cả phương thức xét tuyển theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh.

Các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển sớm mà không sử dụng dữ liệu trên Hệ thống chung phải tự chịu trách nhiệm về thông tin để xét đối tượng, khu vực ưu tiên, nhưng nhất định không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh và trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.

Có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do: không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ, điều kiện sức khoẻ, không đảm bảo yêu cầu về lý lịch để học tập; chịu trách nhiệm chủ động giải quyết và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan để giải quyết các trường hợp ngoại lệ, trường hợp rủi ro cho thí sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo; không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý, các cơ sở đào tạo sẽ phải xét tuyển tất các phương thức xét tuyển đã công bố công khai cho thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo nếu thí sinh đủ điều kiện. Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của Hệ thống.

Nếu các cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành, phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm, điều kiện nhận đăng ký xét tuy cho từng phương thức xét tuyển.

Trong trường hợp các phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển của cùng một ngành có số lượng chỉ tiêu riêng thì cơ sở đào tạo phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển.

Đọc thêm