Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam vào khoảng sáng ngày 20/8 tại bến xe phía Nam Hà Nội đã có nhiều thí sinh, phụ huynh đưa nhau ra bến xe để về quê trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi.
Em Nguyễn Văn M (18 tuổi, Nam Định) cho biết: “Em thi được số điểm là 20 điểm, chiều qua, em vừa nộp hồ sơ vào Đại học Kiến Trúc nhưng thấy điểm dự tuyển của trường này hơi cao nên em lại rút hồ sơ và sáng nay nộp vào trường đại học Xây dựng Hà Nội.
Phụ huynh em M thở dài ngao ngán: “Đưa con đi nộp sơ mà tôi thấy vả hết mồ hôi, cứ nộp rồi lại rút, mệt mỏi quá….Tôi thấy cơ chế tuyển sinh năm nay thật phiền phức, gây áp lực cho chúng tôi rất nhiều"
Tại bến xe phía Nam Hà Nội đã có nhiều thí sinh, phụ huynh đưa nhau ra bến xe để về quê trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi. |
Nguyễn Thị P (18 tuổi, Hải Dương) cho biết: Em thi được 20 điểm, trước đó em nộp vào trường Đại học Hà Nội nhưng thiếu 0,25 điểm (điểm trúng tuyển tạm thời) nên sáng nay mới quyết định gửi hồ sơ vào đại học Công nghiệp”.
Khi phóng viên hỏi lại thí sinh P “có phải nguyện vọng của em là vào trường đại học Công nghiệp ko?”, P trả lời: “Em chỉ chạy đua với số điểm, nhưng nếu đại học Hà Nội mà lấy thấp hơn thì em tiếc lắm”.
Cùng chung cảnh ngộ hoang mang với các thí sinh thi cùng thời điểm, em Bùi Thị T (18 tuổi, Ý Yên, Nam Định) cho biết: “Em rất mệt mỏi vì cách xét tuyển năm nay, nhiều trường điểm trúng tuyển tạm thời thấp, sau một ngày đã tăng vọt lên khiến em không biết phải nộp vào trường nào mới có khả năng đậu, cảm giác mệt mỏi và không muốn chạy đua với điểm nữa ạ”
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những trường tốp trên có điểm chuẩn dự kiến rất cao, đến 27,5 điểm cũng có rất nhiều trường mà mức điểm chuẩn dự kiến chỉ bằng mức “điểm sàn” 15 điểm dựa trên các tổ hợp xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Mạc Văn Tạo, Phó Trưởng phòng Đào tạo thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “nhiều thí sinh đủ điểm đỗ nhưng không kiên trì, vội vàng rút hồ sơ nộp vào trường khác, việc rút - nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng dễ gặp phải những rủi ro nhất định, không nên hùa theo tâm lý đám đông, nếu cứ ào ào rút hồ sơ sẽ có nguy cơ trượt ĐH”
Trước đó, chiều qua (19/8) theo thống kê của trường ĐH Tài nguyên và môi trường hiện có rất nhiều ngành thiếu hồ sơ.
Cụ thể: ngành quản lý biển tuyển 60 chỉ tiêu, hiện mới có 2 hồ sơ đăng ký; ngành thủy văn 12 hồ sơ trên 120 chỉ tiêu; ngành kỹ thuật trắc địa bản đồ 6 hồ sơ trên 180 chỉ tiêu; ngành khí tượng học 19 hồ sơ trên 60 chỉ tiêu…Tương tự, các trường ĐH vùng cũng rơi vào trình trạng thiếu thí sinh do phần lớn tập trung vào các trường ĐH lớn.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục, đến 17h hôm nay các trường sẽ chốt sổ số thí sinh nộp vào trường xét tuyển và nộp danh sách thí sinh lên cho Bộ. Do vậy phần lớn các trường chỉ tiếp thí sinh tới 16h.