Kết quả thi tốt nghiệp thấp hơn
Theo thống kê sơ bộ, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa cho biết, điểm thi tại các cụm do địa phương chủ trì có phổ điểm thi thấp hơn so với các năm trước và không có điểm tuyệt đối ở bất cứ môn thi nào, mức điểm từ trung bình trở xuống chiếm số lượng lớn.
Đơn cử cụm Bắc Giang, điểm thi khá thấp, phổ biến từ 3 - 4 điểm, không có điểm tuyệt đối nào ở tất cả các môn. Bởi lẽ ở cụm thi này chỉ gồm những thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp, đa số lực học trung bình. Vì vậy những câu khó để phân loại, thí sinh không làm được. Còn ở các cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì, phổ điểm cao hơn. Ngoài xét tốt nghiệp, các thí sinh này còn dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH.
Nhận định chung về chất lượng kết quả thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với đề thi có hai mục đích như năm nay (60% các kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao) kết quả thi của các thí sinh tốt hơn kết quả thi ĐH năm ngoái. Qua báo cáo sơ bộ của các cụm thi, phần lớn kết quả điểm của thí sinh tập trung ở mức điểm trung bình 5-6 điểm. Với kết quả này, phổ điểm năm nay sẽ tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ dễ dàng thực hiện công tác tuyển sinh
Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, đúng như dự đoán, kết quả thi THPT quốc gia ở cụm thi do Sở chủ trì thấp hơn so với các năm trước, mức điểm từ trung bình trở xuống chiếm số lượng lớn. Môn toán có nhiều bài điểm liệt nhất, phổ điểm trung bình của môn này là từ 3 - 5 điểm. Môn Lịch sử có hơn 30% bài thi điểm dưới trung bình.
Đánh giá chung của các Sở GD-ĐT là dù điểm ở các cụm thi do địa phương chủ trì năm nay sẽ thấp hơn mọi năm nhưng không vì thế mà tỷ lệ tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn. Nguyên nhân do cách tính điểm tốt nghiệp THPT là ngoài xét kết quả 4 môn thi thì 50% số điểm còn lại là kết quả học lực của lớp 12, cộng thêm các điểm ưu tiên… vì thế, thí sinh chỉ cần đạt 3-4 điểm/môn là đỗ tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh đánh giá, dù phổ điểm thấp hơn nhưng cộng cả điểm học lực lớp 12, điểm ưu tiên với học sinh miền núi, điểm học nghề… thì chỉ trừ những thí sinh bị điểm liệt và tất cả các môn đều thấp, còn lại hầu hết đều có môn nọ bù cho môn kia, đủ điểm để đạt tốt nghiệp.
Có “chọn” đúng thí sinh?
Một chuyên gia giáo dục phân tích, mục đích tốt nghiệp THPT đã tương đối được ưu tiên trong đề thi năm nay, bởi nếu tỷ lệ tốt nghiệp thấp sẽ gây sốc cho xã hội. Chính vì thế, việc cấu trúc đề thi chỉ 30% còn lại để xét tuyển vào ĐH không thể đủ tạo ra một sự phân loại, và trên thực tế các câu còn lại là câu thuộc loại khó, chỉ thí sinh giỏi mới làm được. Như vậy, không thể phân loại thí sinh trung bình và trung bình khá (đối tượng tuyển của đa số trường tốp giữa).
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: “Chẳng qua đây là đề thi có 2 phần và người ta đã kết hợp 2 nửa cuộc thi thành một cuộc thi chung. Hai nửa cuộc thi liệu có thể giải quyết được vấn đề không? Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho địa phương trực tiếp quản lý. Việc xét tuyển ĐH giao cho các trường ĐH tổ chức để họ có thể tuyển chọn được đúng người có năng lực, phù hợp với ngành nghề, chất lượng đào tạo. Lúc đó, kỳ thi quốc gia sẽ giảm áp lực thực sự”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay nhiều nước giao việc thi tốt nghiệp THPT cho trường THPT làm, ĐH được tự chủ tuyển sinh, vì sao ta không làm như vậy? PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam cũng cùng quan điểm: “Bộ nên giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường ĐH. Còn với kỳ thi THPT nên chuyển về cho các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức và sẽ có chế tài xử lý nghiêm. Chúng tôi ủng hộ cải tiến kỳ thi tuyển sinh ĐH theo mô hình thi theo đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.
Với chất lượng của học sinh như hiện nay thì tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có thể đạt được 70%. Đề thi ra mà không phản ánh đúng thực tế học sinh thì kỳ thi đó không thể coi là thành công. Sau kỳ thi này nên xem xét lại cách thức của kỳ thi THPT quốc gia”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Thí sinh làm đơn phúc khảo trong 10 ngày
Trong khoảng thời gian 10 ngày, kể từ hôm nay, thí sinh có thể làm đơn xin phúc khảo bài thi nếu có nhu cầu. Trước ngày 30/7, các hội đồng thi sẽ gửi phiếu báo kết quả thi cho thí sinh. Thí sinh nhận phiếu kết quả thi tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Tất cả những thí sinh có mức điểm đạt từ ngưỡng này trở lên sẽ có thể nộp đơn đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bắt đầu từ ngày 1/8. Ngoài những địa chỉ tra cứu điểm thi đã được công bố chính thức, thí sinh có thể tra cứu điểm thi trên các báo điện tử đã đăng ký kết nối với Bộ để cung cấp dữ liệu điểm thi cho thí sinh. Các trang điện tử đều được Bộ cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí.