Thí sinh cân nhắc kỹ đăng ký nguyện vọng
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 8 - 9/6. Hai bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút mỗi môn. Môn Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Những thí sinh đăng ký vào các lớp, trường chuyên sẽ thi thêm ngày 10/6. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng điểm ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có).
Cũng như năm học trước, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển sinh trên toàn thành phố. Có 12 khu vực tuyển sinh trên toàn thành phố Hà Nội. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định. NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đăng ký.
Đề thi chủ yếu chương trình lớp 9
Về đề thi, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề thi năm nay sẽ gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Còn đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi sẽ được tinh giản phù hợp với thời gian, bảo đảm đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Học sinh hoàn toàn yên tâm học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của giáo viên và các nội dung trong chương trình được học.
Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1.0 điểm.
Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2.0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 có đủ điều kiện trúng tuyển.
Thực tế, từ nhiều năm qua, việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng sao cho trúng luôn là vấn đề cân não. Bởi cùng trong khu vực tuyển sinh, nếu trượt NV1, để xét tuyển NV2 thì điểm xét tuyển phải cao hơn điểm trúng tuyển của trường ít nhất 1.0 điểm và ít nhất 2.0 điểm với NV3. Do đó, dù được đăng ký tới 3 nguyện vọng, nhưng năm nào cũng thế, vẫn có tình trạng thí sinh tuy đạt điểm cao, trung bình trên 8 điểm mỗi môn nhưng vẫn không trúng tuyển vào trường THPT công lập nào.
Do đó, thông thường, các em sẽ lựa chọn hai trường trong cùng khu vực tuyển sinh ở NV1 là vừa sức và NV2 có thể thấp hơn sức các em. Bởi nếu đăng ký hai trường cùng ngang nhau về điểm đầu vào qua các năm, hoặc top 1, top 2, nếu lỡ trượt NV1 thì ở NV2 khi cộng thêm 1.0 điểm sẽ gần tương đương nhau, học sinh sẽ khó trúng NV2 hơn.
Chỉ 60% chỉ tiêu vào trường công lập
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước). Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay cũng là các em học sinh cuối cùng học theo chương trình GDPT 2006 nên cuộc đua càng trở nên “nóng”.
Về chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm nay, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng học sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 tăng lên, Hà Nội sẽ áp dụng nhiều giải pháp để bảo đảm đủ chỗ học cho các em, đáp ứng nguyện vọng học tập của 100% học sinh tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên, hiện nhiều phụ huynh đã “kêu trời” về các trường tư thu phí “đặt cọc giữ chỗ” vào lớp 10. Theo đó, Trường THPT Archimedes Academy (Đông Anh, Hà Nội) tạm thời có phí ghi danh cao nhất là 23 triệu đồng; học phí hằng tháng là 8 triệu đồng. Một số trường khác có mức phí trên 10 triệu đồng là Việt - Úc Hà Nội, Lý Thái Tổ, Newton, Lương Thế Vinh, Sentia, Hà Nội Academy. Với các trường còn lại, mức phí phổ biến là 2 - 5 triệu đồng. Về lý do “phí giữ chỗ”, theo đại diện một số trường là để hạn chế thí sinh ảo, đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Thực tế, có phụ huynh chi tiền đặt cọc cho con vào 2 - 3 trường tư thục, với tổng chi phí đến 50 - 60 triệu đồng nhưng sau đó có thể bỏ cọc vì con đỗ nguyện vọng cao hơn, hoặc nhận thấy các khoản phải đóng góp trong 3 năm học không phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Tuy nhiên, với những phụ huynh không có điều kiện để đóng thì việc đóng phí giữ chỗ này là quá sức với họ.
Về việc này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, với 591 cơ sở giáo dục tư thục, hằng năm ngoài hướng dẫn công tác chuyên môn, Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Qua theo dõi, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của Bộ, Sở. Với các hiện tượng thu phí giữ chỗ các cơ quan báo chí phản ánh, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về thi, tuyển sinh; quán triệt, yêu cầu sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra trong tuyển sinh đầu cấp.
Hà Nội cũng quy định, năm học tới các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT tư thục được áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Trong đó, các trường xây dựng phương án tuyển sinh năm học 2024 - 2025 căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên do Sở GD&ĐT tổ chức hoặc lấy kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS.
Tiếp tục tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng tú tài
Cũng theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục tuyển học sinh cho các trường THPT chuyên, tuyển sinh vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level). Trong đó, đối với chương trình song bằng tú tài, chỉ có hai Trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển sinh mỗi trường 2 lớp, mỗi lớp 25 học sinh bằng phương thức thi tuyển.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng quy định, học sinh dự thi các môn chuyên để tuyển vào các Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây, sẽ phải trải qua 2 vòng gồm sơ tuyển (xét tuyển hồ sơ hợp lệ) và thi tuyển. Mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của hai trong bốn trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.
Học sinh có thể đăng ký NV vào cùng một môn chuyên của hai trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường NV1 và trường NV2 hay có thể đăng ký NV vào các môn chuyên khác nhau của hai trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên không trùng nhau. Thí sinh dự tuyển vào các trường chuyên sẽ dự 3 bài thi trong kỳ thi chung tuyển sinh vào lớp 10 và bài thi môn chuyên theo NV. Các bài thi vào lớp 10 công lập không chuyên tính hệ số 1, bài thi môn chuyên tính hệ số 2. Thí sinh dự thi các môn chuyên vào chiều ngày 9/6 và ngày 10/6.