Các trường top đầu – đã chọn là không thay đổi
Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố công khai số lượng học sinh đăng kí vào lớp 10 không chuyên của từng trường THPT. Theo đó, các trường có tỉ lệ thí sinh đăng kí dự thi cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh là THPT Chu Văn An, THPT Phan Đình Phùng, THPT Kim Liên, THPT Yên Hòa... Theo đó, tổng số học sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng) là 88.928 thí sinh, nhưng tổng chỉ tiêu chỉ là 64.200 thí sinh. Có 88.928 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và 85.835 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2.
Năm 2019 nhìn chung điểm chuẩn thi lớp 10 tại Hà Nội có sự sụt giảm so với các năm trước. Ba năm lại đây, Trường THPT Chu Văn An vẫn giữ vững ở top đầu. Sở dĩ điểm chuẩn thi lớp 10 năm 2019 có sự sụt giảm so với các năm là bởi từ năm 2019, Hà Nội bắt đầu bỏ hoàn toàn điểm xét học bạ của 4 năm THCS và chỉ lấy điểm thi để xét tuyển.
Hơn nữa, sau nhiều năm chỉ thi hai môn Toán, Văn - năm 2019 Hà Nội thi thêm Ngoại ngữ và môn thi thứ tư: Lịch sử. Theo đó, năm 2019, Trường THPT Chu Văn An đứng đầu bảng với điểm chuẩn ở mức 48,75 với 4 môn thi. Những năm 2017 - 2018, điểm chuẩn của trường ở mức 54,5 - 51,5, luôn đứng ở top đầu.
Đứng vị trí thứ 2 là Trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Kim Liên với 46,25 điểm. Trước đó, năm 2017 - 2018, Trường THPT Phan Đình Phùng cũng có điểm chuẩn đầu vào cao 51,5 - 50,5. Còn Trường THPT Kim Liên là 52,5 - 50,5. Những năm gần đây, Trường THPT Cầu Giấy cũng là một trường “hot” với mức điểm đầu vào trong 3 năm 2017 - 2018 - 2019 lần lượt như sau: 50 - 49,5 - 44,25.
Top 10 trường lấy điểm cao nhất trong vòng 3 năm 2017 - 2018 - 2019 còn có THPT Việt Đức (52 - 49 - 45,5), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (52 - 49,5 - 44,75), Lê Quý Đôn - Hà Đông (51,5 - 50,5 - 45,25), Nhân Chính (50,5 - 49,5 - 44,25), Lê Quý Đôn - Đống Đa (51 - 49,5 - 43,5).
Trong hai ngày (24, 25/6), thí sinh được thay đổi nguyện vọng, mặc dù nhiều trường THPT công bố tỉ lệ chọi ở mức cao, nhưng phụ huynh, học sinh không mặn mà thay đổi nguyện vọng.
Bởi lẽ, dù tỷ lệ chọi ra sao, khi thí sinh đã đăng ký vào trường top đầu, có nghĩa các em đã tự tin với sức học của mình. Năm nay, các Trường THPT Phan Đình Phùng, THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm), THPT Trần Nhân Tông, THPT Kim Liên, tỉ lệ học sinh đăng ký vào trường đều tăng từ 15% so với năm trước.
Căng thẳng không thu thi đại học
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập sẽ áp dụng phương thức “xét tuyển”. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, sẽ có 2 vòng gồm có sơ tuyển và thi tuyển. Riêng tuyển sinh vào lớp 10 học chương trình song bằng tú tài, cũng sẽ áp dụng 2 vòng thi tuyển.
Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội có 4 trường có lớp chuyên là THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây. Bốn trường có tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 1.800 chỉ tiêu nhưng có tới hơn 8.000 thí sinh đăng ký dự thi. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất là 2.606 học sinh, tiếp đó là THPT Chu Văn An với 2.406 học sinh, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam là 2.322 học sinh, THPT Tây Sơn là 803 học sinh.
Năm nay, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm nhận 4.860 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên trong khi chỉ tiêu là 305. Trong 7 lớp chuyên, lớp tiếng Anh có tỷ lệ chọi cao nhất, 1/29,25 thí sinh. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nhận được 3.962 hồ sơ đăng ký dự vào lớp 10 năm nay trong khi chỉ có 475 chỉ tiêu.
Có thể nói, kỳ thi vào 10 THPT, đặc biệt là ở các trường chuyên, lớp chuyên tại Hà Nội luôn được dự báo là căng thẳng hơn cả thi đại học, bởi nhiều trường chỉ tiêu ít nhưng có số lượng lớn thí sinh dự thi. Trong đó, đều là những học sinh có học lực khá - giỏi tham dự nên nhiều phụ huynh, học sinh khá căng thẳng để ôn tập, dự thi.
Để được dự tuyển vào các trường chuyên của Hà Nội, học sinh phải đạt điều kiện xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học các lớp cấp THCS đạt khá trở lên, xếp loại tốt nghiệp THCS đạt khá trở lên.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: “Dù mong muốn cho con thi vào trường chuyên là tốt đẹp, tuy nhiên nếu không thực sự là ngôi trường mà học sinh yêu thích, phù hợp với năng lực cũng sẽ tạo ra hệ lụy. Phụ huynh hãy tìm hiểu năng lực thật sự của con và cả nguyện vọng của con nữa, con đang học thế nào, thích ngôi trường nào... Nếu quá kỳ vọng mà con thi chẳng may không đỗ, sẽ bị áp lực, thậm chí trầm cảm…
Hiện nay, nhiều trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không có sự chênh lệch nhiều, trong đó có các trường ngoài công lập chất lượng cũng rất tốt. Theo tôi thấy, đâu phải những người trưởng thành, thành công là từ các trường chuyên đâu? Vì thế, học trường nào mà phù hợp, con thấy hạnh phúc là được”.
Điều đáng nói, học trường chuyên hay trường thường, là do mục tiêu và lựa chọn theo năng lực của học sinh, chứ không phải được đặt ra bởi cha mẹ. Trên thực tế, học sinh học ở mức độ nào sẽ căng thẳng ở mức độ đó với những ngôi trường mà các em mơ ước. Chẳng hạn, với các em học giỏi thì áp lực sẽ lớn theo ước mơ trường chuyên. Các em vừa phải hơn sẽ đặt mục tiêu vào các trường tốp đầu... Và khi các em nỗ lực hết sức bởi niềm yêu thích, các em sẽ không bị đuối trong môi trường đòi hỏi cường độ học tập “nặng” như ở các trường chuyên.
Ngược lại, nếu các em vào bằng được các trường này bởi kỳ vọng của phụ huynh, nhiều em sẽ không theo kịp và tự ti, trầm cảm là điều dễ hiểu... Bởi thay vì gây áp lực cho con, phụ huynh hãy để các em được thoải mái với lựa chọn của mình, chứ không phải bởi sự “danh giá” của gia đình...
Ở giai đoạn nước rút, các chuyên gia cũng cho rằng, phụ huynh không nên ép con đi học thêm nhiều quá, các em sẽ không có thời gian tự ôn tập, nghỉ ngơi. Thực tế, nếu các em đã học chắc kiến thức, thì chỉ cần học thầy cô đang dạy trên lớp là đủ, nếu các em thi vào các trường tốp đầu. Điều quan trọng là thí sinh và phụ huynh biết lượng sức mình để không quá kỳ vọng hay thất vọng mà thôi...
Học sinh lớp 9 Hà Nội thi thử Tiếng Anh vào lớp 10
Tối 27/6, hơn 100.000 học sinh lớp 9 Hà Nội đã tham dự kì khảo sát trực tuyến môn Tiếng Anh trên hệ thống trực tuyến Hanoi Study, thời gian làm bài 60 phút. Kì thi diễn ra an toàn, không có sự cố xảy ra về đường truyền và kĩ thuật. Học sinh đều nghiêm túc làm bài. Các thầy cô được giao nhiệm vụ đều túc trực tại trường để sẵn sàng hỗ trợ cho học sinh.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, dựa vào kết quả khảo sát, các Phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo các nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn của từng đơn vị phân tích và tìm ra các điểm yếu, hạn chế và có các biện pháp ôn tập củng cố, bổ sung kịp thời kiến thức cho học sinh.