Tuyển sinh năm 2020: Cần tăng cường thanh tra, hậu kiểm

(PLVN) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuyển sinh 2020 cơ bản sẽ giữ ổn định như 2019 để tạo bình yên cho xã hội, hứng khởi cho học sinh, cùng đất nước vượt qua khó khăn thời dịch bệnh. Và bởi kỳ thi được giao về địa phương nên phía các trường ĐH mong muốn  tăng cường khâu thanh tra, hậu kiểm…
Thí sinh năm nay được thoải mái đăng ký nguyện vọng. (Ảnh minh họa).
Thí sinh năm nay được thoải mái đăng ký nguyện vọng. (Ảnh minh họa).

Sau khi có phổ điểm tốt nghiệp, sẽ đối sánh với học bạ

Trao đổi về phương án tuyển sinh riêng mà một số trường có dự định thực hiện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây không phải việc dễ dàng với bất kỳ trường ĐH nào, kể cả những trường đại học (ĐH) top đầu trong hệ thống.

Theo Bộ trưởng, tổ chức kỳ thi riêng “không phải muốn làm gì thì làm” mà phải tuân thủ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Thi cũng phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi; điều kiện tổ chức công khai và có sự giám sát.  

“Chúng ta sẽ tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần từng bước. Còn hình thức phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích” - Bộ trưởng lưu ý.

Đối với việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ, Bộ trưởng cho rằng, quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau. Có những nơi học bạ “rất long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì thế, những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.

“Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT chúng ta sẽ tiến hành đối sánh với học bạ. Điều này sẽ cho thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Học bạ điện tử được áp dụng rộng rãi nên các trường có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát điều này”.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết, mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp nhưng độ phân hóa đề thi vẫn có nên các trường ĐH có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Hiện Bộ GD-ĐT đã ban hành đề thi tham khảo, bước đầu được nhìn nhận đảm bảo các yêu cầu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức.

Hầu hết ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường ĐH đều thống nhất Quy chế tuyển sinh năm 2020 vừa được Bộ ban hành. Trước tác động cùng những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều trường cho biết sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT 2020, hạn chế việc tổ chức thi riêng.

Tuy nhiên, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ phần mềm lọc ảo như các năm trước. Do năm nay các trường ĐH không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như những năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, chỉ tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, nên công tác này phải cần được đẩy mạnh.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi THPT 2020 sẽ ra bám sát như đề tham khảo. Nội dung ra trong chương trình THPT nhưng chủ yếu lớp 12, không ra những nội dung đã được tinh giản. Tuy nhiên, muốn tuyển sinh tốt thì phải thực hiện tốt việc tổ chức kỳ thi THPT 2020. Theo đó, vai trò của các trường ĐH trong công tác thanh tra, hậu kiểm rất quan trọng. 

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, qua trao đổi với hơn 30 trường THPT, các trường đều đồng thuận với những chủ trương về thi và tuyển sinh năm nay. GS Quang ủng hộ việc trưng dụng, tăng cường thanh tra ủy quyền của các trường ĐH và mong muốn đề thi chính thức sắp tới sẽ có độ phân hóa rõ hơn ở thang điểm từ 6-10 để các trường có thể sử dụng hiệu quả kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tuyển sinh.

Cho rằng Quy chế đã tháo gỡ nhiều vấn đề băn khoăn của các trường và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, để các trường ĐH yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này.

“Có hai việc quan trọng là coi thi và chấm thi. Năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt hai việc này. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa tất cả những điều không mong muốn xảy ra”.

Còn GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm. 

Không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh

Trao đổi về phương án tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã chủ động dự đoán các tình huống để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tuyển sinh phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Tinh thần chung là, làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an yên tâm, dư luận đồng tình.

Do đó, Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Bà Nguyễn Thu Thuỷ quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới về tổ chức thi riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo, không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay Bộ quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết, không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.

Trong 11 điểm mới của Quy chế tuyển sinh năm 2020, các đại biểu đặc biệt đánh giá cao việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong công tác tuyển sinh, thể hiện rõ ở Điều 12.

Một điểm mới cũng được các đại biểu quan tâm đó là từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm; chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Điều này phù hợp với Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Đại diện đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị cần duy trì ngưỡng đầu vào chất lượng đối với các trường đào tạo sư phạm, giáo viên. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh xét tuyển vào những trường có phương án thi sử dụng kết quả thi THPT sẽ được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật trong Quy chế tuyển sinh 2020 mà Bộ GD-ĐT mới công bố. Việc sắp xếp nguyện vọng phải theo theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).      

Thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi trên một phiếu và nộp tại các điểm tiếp nhận do Sở GD-ĐT quy định (thông thường là nơi thí sinh đang theo học). Thí sinh được một lần đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc bằng phiếu và nộp tại Điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi THPT.

Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (đã nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 thì không được tham gia xét tuyển đợt 1. Thí sinh có đăng ký xét tuyển vào các trường Công an, Quân đội cần phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.     

Quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc khối sức khỏe. Các trường ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh, được tự xác định phương án tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT, xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển trên cơ sở các bài thi chuẩn hóa quốc tế, thi văn hóa, năng khiếu, kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển… Các thí sinh cần vào trang thông tin điện tử của trường để xem thông tin tuyển sinh được quy định trong đề án tuyển sinh.     

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh và nộp tại điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.  Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (thể hiện qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 thì không được tham gia xét tuyển đợt 2.

Trước các ý kiến liên quan đến việc hỗ trợ lọc ảo trong công tác tuyển sinh, kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH về vấn đề này. 

Khối ngành Y Dược sẽ không tổ chức thi riêng?

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020, Trường quyết định giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2019 thay vì dự kiến tổ chức một kỳ thi riêng cùng với các trường khác trong khối ngành sức khỏe như đã nêu trước đó. 

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y dược TP HCM cũng khẳng định khối ngành Y dược sẽ không tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển trong năm nay nhằm giảm áp lực thi cử trong điều kiện dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Do đó, PGS.TS Tuấn mong muốn đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự phân hóa tốt, các khâu coi thi, chấm thi được giám sát chặt chẽ công bằng, thực chất, để các trường có thể sử dụng trong công tác tuyển sinh.

Trước đó, ngày 24/4, hội đồng hiệu trưởng các trường đại học khối Sức khoẻ đã họp, tìm phương án tuyển sinh. Trong đó, nhiều trường ưu tiên theo hướng tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh chung trong năm 2020.

Việc tổ chức kỳ thi riêng cho nhóm trường này được đưa ra trong bối cảnh Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 mà chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp là chính.

Đọc thêm