Điểm chuẩn nơi cao, nơi thấp
Kết quả công bố tối 22/6 cho thấy, những trường ở đầu bảng đều có mức điểm chuẩn vào lớp 10 cao. Trong đó, trường THPT Chu Văn An có điểm chuẩn cao nhất là 55,5 điểm (lớp tiếng Nhật 52,5 điểm), tiếp theo là các trường THPT Thăng Long 53 điểm, Phan Đình Phùng 52,5 điểm. Các trường THPT có mức điểm chuẩn từ 50 đến 51,5 điểm gồm: Việt Đức (lớp tiếng Nhật 51,5 điểm); Kim Liên (lớp tiếng Nhật 50 điểm); Yên Hòa, Phạm Hồng Thái 50 điểm; Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) 51 điểm; Trần Nhân Tông 50 điểm (lớp tiếng Pháp 40,5 điểm); Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) 51,5 điểm; Nhân Chính 51,5 điểm; Cầu Giấy 50,5 điểm; Nguyễn Gia Thiều 51 điểm; Liên Hà 50,5 điểm; Nguyễn Thị Minh Khai 51,5 điểm.
Các trường THPT có mức điểm chuẩn thấp nằm trong tốp cuối như: Đại Cường và Lưu Hoàng cùng 22 điểm, Mỹ Đức C 25 điểm, Ứng Hòa B 24,5 điểm, Minh Quang 23 điểm, Bất Bạt 25 điểm…
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng công bố điểm chuẩn đầu vào của các trường chuyên như Amsterdam, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Sơn Tây. Theo đó, điểm chuẩn cao nhất là lớp chuyên Tiếng Anh, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam 42,5 điểm, điểm chuẩn thấp nhất là lớp chuyên Hóa trường THPT Sơn Tây 20 điểm.
Trước đó, vào tối 20/6, Trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Điểm trúng tuyển vào trường là 49,5, nhà trường cho biết sẽ ngừng tuyển sinh khi nhận đủ chỉ tiêu. Nếu còn chỉ tiêu, trường sẽ hạ điểm trúng tuyển.
Năm nay, số HS dự thi vào lớp 10 là 75.000 HS, giảm 4.000 em so với năm ngoái. Đây là kỳ thi được đánh giá căng thẳng cho cả phụ huynh và HS. Dự kiến, chỉ tiêu vào hệ công lập là 53.000, đáp ứng 70% nhu cầu số thí sinh dự thi.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THPT công lập nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 23 đến 25/6. Sau ngày 25/6, những trường tuyển còn thiếu chỉ tiêu được tuyển bổ sung từ ngày 27 đến 28/6 theo mức điểm chuẩn đã được điều chỉnh. Các trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập nhận hồ sơ hồ sơ trúng tuyển từ ngày 23 đến 30/6.
Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc xác định điểm chuẩn căn cứ vào chỉ tiêu được giao, cũng như điểm xét tuyển của HS tham gia dự tuyển.
Các trường THPT tuyển sinh theo điểm xét tuyển từ cao nhất trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu. Điểm thấp nhất để HS trúng tuyển của mỗi trường gọi là điểm chuẩn của trường đó. Với những HS đã trượt nguyện vọng 1, vẫn có thể hy vọng trường sẽ hạ điểm chuẩn vào các ngày tiếp theo.
Cùng với đó, HS sẽ có cơ hội đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của HS phải cao hơn điểm xét tuyển vào trường đăng ký từ 1,5 điểm trở lên.
Được biết, năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội đã có những thay đổi về cách thức xác định điểm chuẩn sao cho ít phải điều chỉnh thành nhiều đợt như các năm trước. Theo đó, các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội đều công bố điểm chuẩn sớm để HS trúng tuyển có thể sớm quyết định nhập học. Dựa vào đó, các trường công lập không chuyên căn cứ điểm xét tuyển và nguyện vọng của HS để loại những HS đã trúng tuyển vào lớp chuyên, từ đó xác định điểm chuẩn của trường mình sát thực tế hơn, tránh phải điều chỉnh lại.
Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi
Khác với quy định các năm trước, HS chỉ được phúc tra khi điểm bài thi chênh lệch nhiều so với điểm trung bình môn học đó trong năm lớp 9. Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi.
Theo đó, để khiếu nại về điểm bài thi, HS cần nộp đơn phúc khảo và lệ phí phúc khảo tại các cơ sở giáo dục nơi mình học bậc THCS. Thí sinh tự do thì nộp cho Phòng GD-ĐT từ ngày 21 đến 28-6. Học sinh nộp đơn ở đâu sẽ nhận kết quả phúc tra tại đấy vào ngày 11/7.
Kết quả chấm phúc khảo bài thi do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý theo cách thức nếu kết quả chấm của 2 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của 2 cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
Nếu kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả 3 cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến 2 chữ số thập phân làm điểm phúc khảo.
Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định. Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được Trưởng ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt.
Tuy nhiên, mọi trường hợp khiếu nại về điểm bài thi đều phải có đơn xin phúc khảo, HS không có đơn hoặc nộp đơn không đúng quy định sẽ không được giải quyết.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, để làm thủ tục nhập học, HS cần chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh gồm: Học bạ THCS (bản chính), Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (do cơ sở giáo dục cấp), Giấy báo kết quả tuyển sinh (do Phòng GD-ĐT cấp), bản sao Giấy khai sinh hợp lệ, bản photocopy hộ khẩu (không cần công chứng), Giấy được phép học sớm tuổi và các Giấy chứng nhận ưu tiên khuyến khích (nếu có). Khi nộp hồ sơ, xuất trình bản gốc sổ hộ khẩu để kiểm tra đối chiếu. Học sinh đã nhập trường, nếu có nguyện vọng (trong thời gian tuyển sinh), được phép rút hồ sơ để nhập học ở trường khác của thành phố.