Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Đề xuất bỏ môn thi thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước việc học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều giáo viên, phụ huynh đề xuất Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để giảm áp lực cho các em. Đây cũng là chủ đề “nóng” trên các diễn đàn thời gian gần đây.
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Đề xuất bỏ môn thi thứ 4

Giảm áp lực cho học sinh

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội hằng năm được tổ chức với 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4. Trong đó, 3 môn được ấn định, riêng môn thứ 4 sẽ được công bố vào tháng ba hàng năm, khi học sinh (HS) chỉ còn một thời gian ngắn để ôn thi. Và khi chưa biết sẽ thi môn gì, đồng nghĩa với việc HS sẽ phải ôn tất cả các môn học trong chương trình lớp 9.

Nhiều phụ huynh cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, HS đã phải học online suốt hơn 7 tháng qua. Chất lượng học tập của con em họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đường truyền chập chờn và tính tương tác với giáo viên bị giảm sút khi cô trò chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính/điện thoại. Do đó, HS khối lớp 9 tập trung học thật tốt ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đã là rất vất vả. Không chỉ thiếu thời gian nghỉ ngơi, việc HS gắn chặt với máy tính, điện thoại sẽ có những hệ lụy về tâm lý là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, nhiều phụ huynh cho rằng nên xem xét bỏ môn thi thứ 4 thi vào lớp 10 của năm học tới để giảm bớt áp lực cho HS.

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với việc bỏ môn thi thứ 4. Dẫu chủ trương của thành phố là muốn học HS toàn diện, không học lệch theo các môn thi. Nhưng thực tế, không phải cứ thi môn gì các em sẽ thích môn đó. Ngược lại, nếu thích thì không chỉ thi các em mới học. Và nếu bắt buộc phải học để thi thì HS hoàn toàn học thuộc để thi, thi xong là quên. Do đó, hiện nay các em phải lo học cả 9 môn thi là điều áp lực và căng thẳng. Việc thành phố sớm công bố hình thức thi cũng như số lượng môn thi của kỳ thi vào lớp 10 đóng vai trò quan trọng với HS, phụ huynh và giáo viên. Bởi không chỉ học sinh, phụ huynh mà thầy cô lớp 9 cũng vô cùng vất vả khi dồn sức lo lắng cho HS ôn tập. Khi mà mỗi năm theo chỉ tiêu, sẽ có hơn 30% thí sinh không thể vào các trường công lập.

Bà Văn Liên Na, Hiệu phó Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng HS lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Bà Na cho rằng, các môn cơ bản như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh thì nên kiểm tra còn môn thứ 4 “bốc thăm” thì có nhiều cách bổ sung kiến thức cho các HS chứ không nên cứ thi sẽ gây áp lực quá. Khi mà Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, HS phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả các môn. Vì thế, nếu được, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho HS. Còn nếu giữ nguyên phương án cũ thì nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau sẽ vô cùng vất vả và gấp gáp cho cả thầy và trò.

Không nên luyện thi chạy theo số lượng

Cũng thời gian này, HS không chỉ cần ôn tập lại kiến thức đã học mà còn phải sớm luyện đề để làm quen dần với cấu trúc đề thi vào lớp 10 của tỉnh/thành phố mình sinh sống và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Nhiều bạn khi học kiến thức mới thì học rất tốt, bài thì làm được nhưng đến lúc thi thì điểm không cao. Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân là do quá trình các bạn luyện đề chưa thực sự hiệu quả. Các bạn cần nắm được các kiến thức cơ bản trong chương trình trước đã rồi mới bước vào giai đoạn luyện đề”.

Thầy Quang lấy ví dụ chẳng hạn đối với môn Toán, các em cần học chắc phần căn thức và các bài toán liên quan; giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình; tam thức bậc 2 và đồ thị hàm số; góc trong đường tròn và tứ giác nội tiếp; hình học không gian. Hoặc ở môn Ngữ văn, theo thầy Nguyễn Phi Hùng, Hiệu phó Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), những kiến thức trọng tâm chẳng hạn như: truyện kí trung đại, truyện thơ trung đại; thơ về người lính trong kháng chiến, thơ về tình cảm gia đình, thơ về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam…

Theo thầy Hùng, có một vấn đề mà rất nhiều HS mắc phải khi luyện đề là “chạy đua” theo số lượng. “Cứ triền miên trong việc luyện đề sẽ khiến các em tốn thời gian, không có thời gian để điều chỉnh lại phương pháp học cũng như bổ sung các đơn vị kiến thức còn thiếu, yếu. Đừng chạy đua để luyện nhiều đề nhất có thể mà hãy lựa chọn luyện những đề thi chất lượng”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo thầy Nguyễn Danh Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), các em cần luyện đề theo một lộ trình rõ ràng, làm đề theo trình tự, mức độ tăng dần từ dễ đến khó. Đặt thời gian xem với đề đó, mình làm trong khung thời gian đó có kịp không, có thiếu thời gian không, đúng bao nhiêu phần trăm, sai chỗ nào để kịp thời khắc phục những vấn đề gặp phải. Thầy Chiến nhấn mạnh, nếu luyện đề một cách nghiêm túc, theo một lộ trình rõ ràng thì kết quả của từng đề sẽ phản ánh được chính xác năng lực hiện tại của HS đang ở mức nào, đã đạt đến yêu cầu, tiêu chuẩn của trường dự kiến thi hay chưa? Điều này rất quan trọng để các em đăng ký trường cho trúng với sức học của mình. Bởi chỉ cần lệch 0,25 điểm, rất có thể các em đã lỡ cơ hội học trường công, hoặc trường mà các em đặt mục tiêu. Thời gian còn lại, HS có thể làm đề mỗi môn 1-2 đề/tuần. Như vậy sẽ luyện được đầy đủ các môn, ôn lại kiến thức thường xuyên và rèn cả phương pháp kỹ năng…

Đọc thêm