Tỷ lệ tham gia BHYT chưa ổn định
Vùng Tây Bắc nước ta gồm 6 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Nơi đây có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch,…
Đặc biệt, đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời. Do vậy, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội.
Được biết, trong thời gian qua, hệ thống chính sách ASXH đối với đồng bào DTTS đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, bao quát các lĩnh vực ASXH gồm hỗ trợ tạo việc làm, BHXH, BHYT, trợ giúp xã hội và đảm bảo tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin) đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Phó Trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, tính đến ngày 30/9/2017, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT khu vực Tây Bắc là 4.405.383 người, chiếm tỷ trọng 5,58% so tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên toàn quốc.
Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 10.211 người, tăng 12% so với năm 2016; số người tham gia BHYT là 4.395.172 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 96,2% so với dân số vùng, chiếm tỷ trọng là 5,58% so với tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Đặc biệt trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của cả 6 tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh, những kết quả nêu trên đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng phấn đấu của các địa phương khu vực Tây Bắc trong công tác thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém. Với đặc điểm địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không dễ dàng.
Đặc biệt, người dân chủ yếu là người đồng bào DTTS nên nhận thức còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, đồng bào dân tộc đa phần không có việc làm thường xuyên, kinh tế không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại thường xuyên xảy ra;… “Đây là những nguyên nhân dẫn tới số NLĐ và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng”, bà Lan nói.
Phải tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào DTTS
TS. Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam khuyến nghị, tuyên truyền chính sách cần phối hợp chặt chẽ với việc lồng ghép, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng dân tộc khác nhau.
Chia sẻ quan điểm từ góc tiếp cận của các cơ quan thống tấn báo chí với công tác tuyên truyền, vận động người dân, đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện, và BHYT hộ gia đình, TS. Trần Bá Dung cho biết, qua báo chí, nhất là thông qua các ấn phẩm cấp phát miễn phí, các thông tin về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến được với đồng bào các DTTS. Thông tin cấp phát cho vùng dân tộc, miền núi là cẩm nang cho đồng bào trong việc tìm hiểu, trao đổi, nhận biết lợi ích, cách thức thực hiện để tham gia mua bảo hiểm.
Ở đây, báo chí cấp phát miễn phí có vai trò to lớn trong việc tác động đến nhận thức, nếp nghĩ, thay đổi thái độ và từ đó thay đổi hành vi - cách làm của đồng bào, góp phần quan trọng để người dân thực hiện và được hưởng những chính sách ASXH của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, TS. Trần Bá Dung cũng khẳng định, tuyên truyền, vận động người dân, đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tính cấp thiết và cần phải tiếp tục được duy trì, phát triển.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả truyền thông chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình một cách thiết thực, báo chí cần có sự phối kếp hợp chặt chẽ giữa nội dung công tác tuyên truyền với lồng ghép, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng dân tộc khác nhau. Mặt khác, cần chú trọng hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức, trình độ tiếp thu, thói quen, phong tục, tập quán đọc báo, nghe đài, xem ti-vi... và điều kiện tiếp nhận thông tin báo chí, của chính bà con các dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tuyên truyền BHXH, BHYT phải đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà” để chính sách vượt qua trở ngại khoảng cách về địa lý đến được với mỗi đồng bào DTTS.
Tỷ lệ bao phủ BHYT của cả 6 tỉnh khu vực Tây Bắc đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ người tham gia BHYT trong vùng tăng cao, tuy nhiên, trên thực tế đa phần đối tượng tham gia BHYT của khu vực này lại do Nhà nước bao cấp hoặc hỗ trợ một phần, đây là lý do khiến tỷ lệ bao phủ BHYT khu vực Tây Bắc được đánh giá là không bền vững.
“Vậy điều cốt yếu ở đây là chúng ta phải làm sao để tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách BHXH, BHYT sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau, để chủ động tham gia ngay cả khi không còn trợ cấp của Nhà nước. Tuyên truyền phải đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà” để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vượt qua trở ngại khoảng cách về địa lý đến được với mỗi đồng bào DTTS. Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển BHXH, BHYT một cách bền vững, góp phần đảm bảo ASXH, ổn định kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT khu vực Tây Bắc đã được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện. Và đáng chú ý là, toàn bộ hoạt động của ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương đã thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Chính điều này đã góp phần đảm bảo để việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, để từng bước hướng tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BHXH, BHYT, mà Nghị quyết số 21NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng trong thời gian tới, đối với khu vực Tây Bắc, chúng ta cần phải tập trung triển khai một số giải pháp sau đây:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW của Bộ Chính trị. Và ngay trong cuối năm nay, BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; kiến nghị để cấp ủy Đảng các cấp coi nội dùng này là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về BHXH, BHYT tại địa phương.
Hai là, BHXH các địa phương, phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Ủy ban dân tộc và các tổ chức Đoàn thể các cấp, cũng như vai trò của các Già làng, Trưởng bản và Đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến với từng gia đình, từng nhóm đối tượng.
Trong đó, quan tâm tới nhóm đối tượng đích là những người dân có tham gia các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ tại các đô thị, các khu du lịch; lao động tại khu vực miền núi; lao động tự do… có mức thu nhập ổn định, và các gia đình có thu nhập từ sản xuất kinh tế trang trại; đồi rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…
Ba là, chủ động trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHXH và đặc biệt là các Già làng, Trưởng bản tại mỗi địa phương và ở từng địa bàn dân cư.
Bốn là, BHXH Việt Nam cần chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Cạnh đó, phải kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ta về ASXH.