Tuyệt đối không để thiếu điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: VGP)
Công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: VGP)

Chỉ thị nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo tăng tốc bứt phá của nền kinh tế và quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian tới.

Cung ứng đủ điện trong mọi tình huống

Dù năm 2024 đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục, phụ tải hệ thống có thời điểm đạt mức kỷ lục hơn 1 tỉ kWh/ngày, song Thủ tướng cho rằng quy hoạch điện còn một số bất cập.

Việc triển khai các dự án nguồn điện còn gặp nhiều vướng mắc, nên dự kiến nguồn điện giai đoạn này chỉ đạt 56,7% so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện.

Với yêu cầu phấn đấu năm 2025 tăng trưởng trên 8% và giai đoạn 2026 - 2030 ở mức hai con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, tức mỗi năm cần bổ sung 8.000 - 10.000MW điện, là thách thức lớn, cần có giải pháp nhanh phát triển nguồn, đặc biệt nguồn điện sạch.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, và Tổng công ty Đông Bắc tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện và truyền tải điện trong phạm vi quản lý của mình. Các cơ quan chức năng tuyệt đối không để các dự án, công trình bị ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành và địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bộ Công Thương phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, và thường xuyên theo dõi diễn biến của nhu cầu điện cũng như các yếu tố phát sinh để kịp thời lãnh đạo và chỉ đạo phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, Bộ phải định kỳ hàng quý kiểm điểm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Bộ Công Thương cần tập trung rà soát và nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để kịp thời cập nhật các yêu cầu, mục tiêu chiến lược mới về phát triển kinh tế xã hội. Việc rà soát này cần cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ và thay thế các dự án chậm tiến độ hoặc không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, và hoàn thành trước ngày 28 tháng 02 năm 2025.

Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương triển khai hoàn thành việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Điện lực số 61/2024/QH15 trước ngày 01 tháng 02 năm 2025 để kịp thời đưa các chính sách mới của Luật vào cuộc sống. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách liên quan đến sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, giá điện và giá dịch vụ về điện, cơ chế bảo đảm tiêu thụ khí khai thác trong nước, nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện cần được nghiên cứu kỹ. Các quy định cần vừa đáp ứng được việc thu hút đầu tư, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của nhà nước, và lợi ích của người dân, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí hoặc lợi ích nhóm.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cần chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và cấp bách của ngành điện trong thời gian tới. Trước tiên, đối với các dự án nguồn điện nằm trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII nhưng chưa có nhà đầu tư, Bộ Công Thương cần yêu cầu các địa phương khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án như LNG Nghi Sơn, LNG Quỳnh Lập, LNG Cà Ná và các dự án tương tự khác, đảm bảo hoàn thành công tác này trong Quý II năm 2025. Sau đó, các dự án cần được đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất vào Quý III năm 2028.

Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2025, như Thủy điện Nậm Củm 4, Hòa Bình MR, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I (với tổ máy số 1 dự kiến hòa lưới ngày 2 tháng 9 năm 2025), Bộ Công Thương và UBND các tỉnh cần chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để có thể đưa vào vận hành sớm hơn từ 3 đến 6 tháng. Các chủ đầu tư phải có cam kết rõ ràng về tiến độ và thời gian vận hành cụ thể, gửi báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 20 tháng 01 năm 2025.

Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm các dự án đang thi công như Na Dương II, Quảng Trạch I, An Khánh - Bắc Giang, Long Phú I, Hiệp Phước giai đoạn 1, cũng như các dự án đã có nhà đầu tư và đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi như LNG Quảng Ninh, LNG Thái Bình, Quảng Trạch II, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An I, Ô Môn II, III, IV…, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh cần chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công và đẩy nhanh tiến độ. Các chủ đầu tư cũng cần cam kết thời gian vận hành cụ thể, phấn đấu hoàn thành sớm hơn từ 1 đến 2 năm so với kế hoạch. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo các dự án này được triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là trong giai đoạn 2026-2028.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải tập trung chỉ đạo triển khai và hoàn thành công tác đầu tư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vòng 5 năm.

Về truyền tải điện, Bộ Công Thương cần chỉ đạo nghiên cứu và triển khai đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII. Các dự án này phải tập trung tăng cường sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực, nâng cao khả năng vận hành an toàn và ổn định của Hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt, cần ưu tiên triển khai các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất cho các nhà máy điện như Nhơn Trạch 3 và 4. Đồng thời, khẩn trương thi công và hoàn thành công trình đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên, đưa vào vận hành trong năm 2025 nhằm giải tỏa công suất nguồn thủy điện khu vực phía Bắc và sẵn sàng phục vụ nhập khẩu điện từ Trung Quốc nếu cần.

Bộ Công Thương cũng cần tập trung hoàn thành Dự án đường dây 500 kV Monsoon – Thạch Mỹ trong tháng 01 năm 2025. Ngoài ra, cần nghiên cứu và đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường dây truyền tải từ các công trình thủy điện tại Lào về các tỉnh phía Bắc, để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào trong năm 2025, theo Hiệp định đã ký kết giữa hai nước…

Đọc thêm