Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, trong dịp trước và sau Tết, các nhóm thực phẩm như rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, thịt... tăng hơn 10 lần so với ngày thường. Đây cũng là thời điểm thời tiết miền Bắc mưa phùn, độ ẩm cao, miền Nam nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do đó người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Bởi ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Do đặc thù thời tiết dịp Tết nên các loại hạt như hướng dương, lạc, đậu, bánh chưng... rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm. Aflatoxin là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn nhiều. Tuy nhiên người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc rồi lại sử dụng. Qua mấy ngày Tết, các loại bánh như bánh chưng, bánh ai, bánh tẻ, chè lam,... thường bắt đầu có dấu hiệu mốc và vẫn có không ít các gia đình vẫn cắt phần đầu bánh bị mốc rồi rán ăn bình thường.
“Rửa, cắt nấm mốc chỉ đảm bảo nhãn quan bên ngoài, cái quan trọng là độc tố có trong nấm ngấm sâu trong thực phẩm mới nguy hiểm, gây hại cho cơ thể. Vì vậy người dân không nên tận dụng các sản phẩm đã bị nấm mốc”, ông Phong cho biết.
Ngày nay, hầu hết các địa điểm chợ hoặc siêu thị đều mở bán rất sớm, tạo điều kiện mua sắm thực phẩm cho người dân, do đó việc tích trữ quá nhiều đồ ăn vô tình không đem lại lợi ích về mặt dinh dưỡng cho bữa ăn trong gia đình. Bất cứ một loại thực phẩm nào cũng có hạn sử dụng và điều kiện lưu trữ riêng của nó. Như đối với rau xanh chỉ nên để 3-4 ngày vì để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng của chúng. Thức ăn tươi sống như thịt, cá,… thì cần bảo quản ở ngăn đông lạnh, nhiệt độ thấp từ -14 độ C. Đối với thức ăn để trong tủ đông thì phần lớn không nên để quá ba tháng. Tuy nhiên, thời hạn của thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và tủ đông còn phụ thuộc vào mỗi loại thức ăn và điều kiện bảo quản chúng. Do đó, việc hạn chế tối đa thời gian dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đông là điều cần thiết đối với mỗi gia đình.