Mảnh đất “khó ở”
Mảnh vườn hoang của gia đình ông An nằm giữa xóm Lý Bình. Trên đó có một ngôi nhà hoang phế ẩn khuất trong vườn cây bạch đàn um tùm. Ngôi nhà bỏ hoang hơn chục năm, mái ngói xập xệ, cửa nẻo trống trơn, tường bong tróc, ẩm mốc xen lẫn mùi lạnh lẽo khiến bất cứ ai đặt chân đến đây cũng phải rợn người. Bốn bên là nhà dân sinh sống nhưng mảnh vườn hoang lạnh này không bóng người lui tới.
Theo các bậc cao niên, từ xưa các cụ đã cho rằng mảnh đất nhà ông An vốn “khó ở”. Thời kháng chiến chống Pháp, mảnh đất này chia làm hai, được người ông họ của ông An là cụ Phạm Truyền sinh sống.
Ngày xưa, cụ Truyền có 3 người con, 2 trai 1 gái, lớn lên khỏe mạnh nhưng đến khi trưởng thành, tất cả đều chết bất đắc kỳ tử. Hai vợ chồng cụ Truyền sau đó cũng đột ngột qua đời. Gia đình tuyệt tự, người thân đứng ra lo hương khói.
Căn nhà tranh đổ sập, cây bụi mọc um tùm như rừng hoang, có cho tiền cũng không ai dám đến ở. Năm 1978, ông An lấy vợ rồi xin gia đình cất nhà ở mảnh đất hoang của người ông.
Năm 1985, ngôi nhà hoàn thành, ông An đưa vợ là bà Đặng Thị Bốn (SN 1960) và 3 người con đến sinh sống. Được nửa năm thì bất hạnh ập đến. Bà Bốn ban đầu lên cơn sốt, sau đó trở nên điên dại. Ông An và gia đình chạy chữa khắp nơi vẫn không khỏi.
Nghe lời “thầy” cúng, ông An lập miếu nhỏ trước nhà để cúng kính. Sau 2 năm hương khói nhưng vợ vẫn không bớt, ông An nổi giận phá miếu thờ. Ngày ấy, người mê tín một phen hoảng hốt khi thấy ông An thất lễ với “ma quỷ”.
Nghe nhiều người mách rằng, bà Bốn phải sinh con thì mới bớt bệnh, ông An cùng đường, nghe theo. Hai vợ chồng ăn nằm với nhau dù bà Bốn lúc tỉnh lúc mê.
Năm 1986, bà Bốn sinh đứa con gái thứ 4 khi đang mắc bệnh tâm thần. Ban đầu đứa bé lớn lên bình thường, nhưng khi được hơn một tuổi thì bệnh tật, ốm đau quặt quẹo. Thế là bà Bốn đã không bớt bệnh, mà gia đình lại càng thêm khốn khổ.
Năm 1987, trong một lần con gái út bệnh tình nguy kịch, ông An cùng người em trai định đưa lên huyện chữa trị. Thế nhưng khi ông vừa bế con gái lên thì đứa trẻ khóc thét lên một tiếng rồi tắt thở. Chớp mắt một cái đã mất đi con gái, ông An điếng người.
Những người ác miệng đồn rằng đứa bé bị “ma bóp” không qua khỏi. Sau ngày con gái mất, ông An suy sụp tinh thần. Câu chuyện về mảnh đất “âm binh” một lần nữa khiến cả làng xôn xao, dáo dác.
Ông An một mình cáng đáng công việc gia đình, chăm vợ tâm thần, nuôi 3 con nhỏ dại. Năm 1989, ông xin phép hai bên gia đình để quyết định đi bước nữa với người phụ nữ khác, mục đích là để có người chăm vợ bệnh tật và nuôi nấng 3 đứa trẻ bất hạnh.
Sau khi cưới vợ hai, ông An chuyển nhà qua thôn Xuân An (cách đó hơn 1km) để sinh sống. Riêng bà Bốn vì bệnh, hay lên cơn điên, nên mọi người phải “giam” lại trong ngôi nhà cũ. Ngày ngày ông An cùng người thân hai bên mang cơm nước đến chăm nom.
Tang chồng tang
Người đàn ông nặng gánh chuyển đến mảnh đất khác nhưng chuỗi bất hạnh vẫn không chấm dứt. Năm 1992, người cha ông An lên cơn tai biến rồi đột ngột mất. Nỗi đau chưa nguôi thì một năm sau, người cô ruột ông An cũng mất vì một cơn tai biến.
Tang chồng tang, gia đình chìm trong nỗi buồn bã sợ hãi. Ai cũng sống trong lo âu sợ hãi vì cho rằng gia đình mình bị mảnh đất “nguyền rủa”. Duy chỉ bà Bốn điên dại nên không nhận thức được điều gì. Về sau, bà Bốn được đưa vào viện tâm thần chữa trị.
Ông An không hiểu vì sao vận đen cứ liên tiếp kéo đến với gia đình mình |
Bẵng đi một thời gian, mọi người nghĩ rằng vận hạn của gia đình này đến đó là chấm dứt. Nhưng đến năm 2005, bất hạnh lại tìm đến. Ông An cho biết: “Năm đó nước lụt dâng cao, người em sinh đôi của tôi dùng thuyền đi đón con trai học lớp 8. Khi thuyền con đi qua cánh đồng thì gặp phải cơn gió giật mạnh bị lật úp. Bốn người trên thuyền bị nhấn chìm. Người xung quanh chỉ cứu được hai người, còn hai cha con em trai tôi bị chết đuối”.
Nhà ông An càng thưa người. Nhưng bất hạnh chưa dừng lại. Sau ngày ông An và người vợ hai sinh được 3 người con, năm 2009, người vợ hai của ông trong một lần lặn lội buôn bán ở TP.HCM thì bị tai nạn giao thông, không qua khỏi. Vậy là ông An có hai người vợ thì một người điên, một người chết yểu.
Kể lại những bất hạnh, ông An vẫn chưa hết bàng hoàng. Nỗi buồn với ông dường như vẫn chưa chấm dứt, bởi người vợ đầu đang sống trong bệnh viện tâm thần, chẳng biết khi nào mới khỏi bệnh.
Vận đen liên tiếp tìm đến, người đàn ông không tin có chuyện ma quỷ năm xưa, giờ đây suy sụp. “Trước khi đến cất nhà trên mảnh khó ở ấy, tôi đã nghe ông bà nói rằng đó là miếng đất dữ, không ở được. Tuy nhiên ban đầu tôi lại không tin. Rồi không ngờ khi ở chưa được bao lâu thì vợ phát bệnh. Tôi mời thầy về cúng trừ tà ma thì ổng phán rằng vợ tôi bị ma quỷ ám hại. Mạng tôi lớn nên “âm binh” không thể hãm hại, quay sang hại người thân. Không tin nên sau đó tôi mới phá miếu thờ, không ngờ vận đen tìm đến ngày càng nhiều”, ông An phân bua.
Đi tìm sự thật, chúng tôi đến gặp ông Võ Tấn Tài, Trưởng thôn Chánh Lý. Ông Tài khẳng định, từ xưa, mảnh đất gia đình ông An được cho là “khó ở”. Đời gia đình ông Truyền thì cả nhà chết sạch. Ông An là cháu họ nên được dòng họ cho phép đến cất nhà ở. Sau khi vợ bị bệnh, ông An vì nhiều lý do mà phải chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, theo ông Tài: “Nhà ông An đúng là xấu số, liên tiếp xảy ra nhiều chuyện đau lòng, nhưng không thể đổ lỗi cho “ma quỷ hại người””./.