Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/6: Đồng USD giảm nhiệt sau chuỗi ngày tăng 'nóng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay (25/6), đồng USD trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt sau khi đạt được mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng trở lại đây nhờ sự thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ đầy bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/6 (Ảnh minh họa).
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/6 (Ảnh minh họa).

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.179 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.975 VND/USD ở chiều mua vào và 23.837 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h sáng nay, cụ thể:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.870 đồng/USD (mua vào) - 23.100 đồng/USD (bán ra), giảm 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.898 đồng/USD (mua vào) – 23.098 đồng/USD (bán ra), giảm 13 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.910 đồng/USD (mua vào) - 23.110 đồng/USD (bán ra), giảm 20 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới giảm nhẹ. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 91,81 điểm, giảm 0,02%. Hiện 1 Euro đổi 1,193 USD; 1 bảng Anh đổi 1,392 USD; 1 USD đổi 110,91 yên.

Đồng USD giảm nhẹ, tạm chấm dứt chuỗi ngày tăng nóng, áp sát đỉnh hai tháng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed hồi tuần trước.

Thị trường tiền tệ trầm lắng khi các nhà giao dịch cân nhắc thông tin từ quan chức Fed về thời điểm rút các biện pháp kích thích tiền tệ.

Lạm phát trong tháng 5 của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 13 năm qua. Lạm phát tại Mỹ tăng mạnh trong khi nền kinh tế số 1 thế giới mới chỉ bắt đầu hồi phục, điều đó có nghĩa là nếu nền kinh tế mở cửa mạnh hơn và người dân Mỹ mạnh dạn chi tiêu hơn, thay vì tiết kiệm đề phòng rủi ro vì đại dịch Covid-19 thì giá cả hàng hóa còn tăng nhanh và mạnh hơn nữa.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết ông dự kiến ​​lãi suất sẽ cần phải tăng vào cuối năm 2022 vì ông đang dự đoán mức tăng trưởng 7% vào năm 2021 và lạm phát trong năm là 3,4%.

Cả ông Bostic và Thống đốc Fed, Michelle Bowman đều cho biết họ kỳ vọng rằng áp lực giá gần đây sẽ chỉ là tạm thời nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​để chúng biến mất.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết hôm thứ Ba rằng bất kỳ cuộc trao đổi nào về thời điểm thay đổi lãi suất vẫn còn xa.

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Western Union Business Solutions ở Washington cho biết, mức tăng của đồng USD đã giảm dần sau khi ông Powell hạ thấp lo ngại về lạm phát cao.

Mark McCormick, chuyên gia tại TD Securities, cho rằng, dữ liệu tốt của Mỹ sẽ tốt cho USD và xấu cho các tài sản rủi ro.

Về mặt dữ liệu, các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và chỉ số giá chi tiêu cá nhân cốt lõi sẽ được công bố vào thứ Sáu 25/6.