Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.156 VND/USD, giảm 4 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 VND/USD ở chiều mua vào và 23.805 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.630 đồng/USD (mua vào) – 22.860 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.655 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.660 đồng/USD (mua vào) – 22.860 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 94,01 điểm, giảm 0,03%. Hiện 1 Euro đổi 1,16 USD; 1 bảng Anh đổi 1,355 USD; 1 USD đổi 110,95 yên.
Tỷ giá USD tuần này phụ thuộc vào một loạt báo cáo thống kê kinh tế của Mỹ.
Đầu tuần, dữ liệu về các đơn đặt hàng của nhà máy và PMI phi sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, trong đó chỉ số PMI được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho thị trường tiền tệ.
Tiếp đó, dữ liệu việc làm phi nông nghiệp của ADP và số lượng người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần lần lượt được công bố vào thứ Tư (6/10) và thư Năm (7/10) sẽ là những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu (8/10) mới là số liệu thống kê quan trọng nhất trong tuần. Một đợt tăng đột biến nữa trong bảng lương nhiều khả năng sẽ là dấu hiệu để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi động các kế hoạch thắt chặt tài khóa vào cuối năm nay.
Tại châu Âu, nhiều dữ liệu kinh tế cũng được phát hành trong tuần này có thể tác động đến tỷ giá đồng euro so với USD.
Trước hết, báo cáo PMI lĩnh vực dịch vụ của Italy, Tây Ban Nha và PMI tổng hợp của Pháp, Đức cùng với Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được đưa ra vào thứ Ba (5/10), dự kiến sẽ là những tác nhân quan trọng có thể thay đổi xu hướng đồng euro so với đồng bạc xanh.
Trong thời gian còn lại của tuần, nền kinh tế Đức sẽ là trọng tâm chính của thị trường khu vực với việc các đơn đặt hàng của nhà máy, sản xuất công nghiệp và dữ liệu thương mại của nền kinh tế lơn nhất châu Âu lần lượt được công bố.
Ngoài ra, báo cáo doanh số bán lẻ của khu vực Liên minh châu Âu cũng thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư, trong đó đa số các chuyên gia nhận định dữ liệu này có ảnh hưởng không tốt đối với các doanh nghiệp lớn.