Tỷ giá trung tâm tăng mạnh phiên đầu tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỷ giá trung tâm quay đầu tăng mạnh phiên đầu tuần trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động quanh vùng 22.680 – 22.975 VND/USD.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.133 VND/USD, tăng 14 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.050 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.670 đồng/USD (mua vào) – 22.980 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.685 đồng/USD (mua vào) – 22.965 đồng/USD (bán ra), tăng 80 đồng chiều mua vào và tăng 40 đồng chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.695 đồng/USD (mua vào) – 22.975 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,03 điểm, giảm 0,01% so với phiên giao dịch cuối tuần. Hiện 1 Euro đổi 1,133 USD; 1 bảng Anh đổi 1,36 USD; 1 USD đổi 115,04 yên.

Tuần này, tỷ giá USD phụ thuộc nhiều vào dữ liệu kinh tế từ các trung tâm kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Anh cũng như tình hình địa chính trị tại Nga và Ukraine.

Vào đầu tuần, các chỉ số PMI của khu vực tư nhân và chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng 2 của Mỹ sẽ là những tin tức kinh tế tiêu điểm, nhiều khả năng tác động đến đồng bạc xanh.

Tiếp đó, trọng tâm của thị trường sẽ chuyển sang báo cáo GDP quý IV/2021 và báo cáo thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến được công bố vào thứ Năm (24/2). Bên cạnh đó, dữ liệu về các loại hàng hóa lâu bền cốt lõi, chi tiêu cá nhân và số liệu lạm phát của Mỹ được phát hành vào cuối tuần cũng có thể tác động đến tỷ giá USD.

Trong khi đó, các báo cáo PMI khu vực tư nhân cho Pháp, Đức và toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá đồng euro so với USD. Sau những con số đáng thất vọng trong tháng 1, các thị trường mong đợi sẽ xuất hiện một sự phục hồi trong các lĩnh vực tư nhân tại đây.

Vào giữa tuần, số liệu kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng của Đức sẽ thu hút phần lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi thống kê GDP quý IV từ Pháp và Đức được đưa ra vào thứ Sáu (25/2).

Ngoài ra, tuần này cũng là thời điểm phát hành các báo cáo lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng Pháp trong tháng 1, tuy nhiên, những con số này khó gây ra sự biến động trên thị trường tiền tệ.

Về mặt chính sách tiền tệ, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde sẽ có bài phát biểu vào cuối tuần, trong đó các nhà phân tích và giới giao dịch kỳ vọng sẽ nhận được những manh mối rõ ràng hơn về định hướng của cơ quan này trong thời gian tới.

Tại Anh, các dữ liệu kinh tế quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá đồng bảng Anh và USD bao gồm PMI khu vực tư nhân và số lượng các đơn đặt hàng công nghiệp lần lượt được công bố vào thứ Hai (21/2) và thứ Ba (22/2).

Liên quan đến vấn đề địa chính trị, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trong tuần này, có thể làm lu mờ tác động của các dữ liệu kinh tế cũng như tin tức từ các ngân hàng trung ương.

Đọc thêm