Khảo sát Tội phạm kinh tế và Gian lận Toàn cầu 2020 do PwC thực hiện với trên 5000 ý kiến từ 99 quốc gia.
Gian lận bởi người tiêu dùng tăng cao
Theo kết quả khảo sát, 47% công ty cho biết đã và đang phải đối mặt với hiện tượng gian lận trong hai năm qua – mức cao thứ hai trong vòng 20 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, gian lận bởi người tiêu dùng chứng kiến mức tăng mạnh nhất, từ 29% lên 35% trong vòng 2 năm.
Người tiêu dùng, tin tặc và các nhà bán hàng/nhà cung cấp chịu trách nhiệm cho 39% trường hợp vi phạm trong hai năm qua
Các DN cũng cho biết gian lận bởi người tiêu dùng và tội phạm an ninh mạng là hai loại hình tội phạm gây ảnh hưởng tới DN nhiều nhất.
Dù hành vi gian lận được thực hiện bởi người tiêu dùng ngày một tăng cao, đây cũng là một trong số những hình thức tội phạm có thể được phòng chống với tài nguyên chuyên dụng, quy trình vững chắc và công nghệ tiên tiến một cách hiệu quả nhất.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa, cũng như việc đầu tư vào công nghệ và các kỹ năng phù hợp có thể tạo ra lợi thế như thế nào. Gần một nửa các DN áp dụng và tăng cường kiểm soát khi đối mặt với tội phạm kinh tế, và 60% trong số đó cho biết nhờ các biện pháp này mà DN hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, gần một nửa các DN được khảo sát không hề tiến hành điều tra khi gặp phải tội phạm gian lận/kinh tế. Chỉ một phần ba DN báo cáo lên HĐQT công ty, tuy nhiên tới 53% trong số đó ghi nhận cải thiện đối với DN.
Sử dụng công nghệ trong phòng chống gian lận
Tuy công nghệ chỉ là một phần trong giải pháp chống tội phạm kinh tế, báo cáo chỉ ra rằng hơn 60% DN - tổ chức đã bắt đầu ứng dụng công nghệ tiến tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) trong việc phòng chống gian lận, tham nhũng và các tội phạm kinh tế khác.
Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ vẫn gặp phải những lo ngại liên quan đến chi phí thực hiện, chuyên môn hạn chế và nguồn lực có hạn. 28% người tham gia khảo sát cho biết họ thấy giá trị mà công nghệ mang lại là chưa tương xứng.
Lợi ích của ứng dụng công nghệ trong việc phòng chống gian lận là không thể phủ nhận, tuy nhiên DN cần nhìn nhận rõ rằng việc đơn thuần áp dụng các công cụ hay công nghệ, là chưa đủ đối với một quy trình chống gian lận.
Ông Grant Dennis, Tổng giám đốc công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết, đối với các công ty đa quốc gia đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, hay các DN trong nước, thì mối đe dọa về gian lận đều ngày một rõ ràng và gia tăng. Bắt đầu bằng việc tích cực tìm hiểu những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn, từ đó các DN sẽ có sự chuẩn bị chủ động hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với gian lận.”
“Không có giải pháp đơn nhất (one-size-fits-all) nào cho vấn đề này. Các DN có thể cân nhắc và linh hoạt phối hợp các biện pháp: từ giáo dục người tiêu dùng, áp dụng công nghệ, tới việc nâng cao kỹ năng, áp dụng quy trình tuân thủ và xây dựng văn hóa chống gian lận trong DN. Để đấu tranh với tội phạm kinh tế, việc nhìn nhận và củng cố DN một cách toàn diện có vai trò quan trọng.” Ông Dennis nhận định.
Cùng chia sẻ về việc áp dụng công nghệ, bà Kristin Rivera, Lãnh đạo Điều tra gian lận toàn cầu của PwC nhận xét “Thu thập đúng dữ liệu chỉ là bước ban đầu. Việc phân tích thông tin như thế nào mới là yếu tố tạo ra lợi thế cho DN trong công cuộc phòng chống gian lận. Các DN thường không nhìn nhận đúng giá trị của công nghệ do thiếu sự đầu tư vào kĩ năng và chuyên môn cần thiết để sử dụng cũng như quản lý một cách hiệu quả.”
• Trong hai năm qua, chỉ 39% người được khảo sát trả lời rằng đối tượng bên ngoài DN là thủ phạm chính gây ra các tội phạm kinh tế cho DN họ.
● 1/5 cho biết các nhà bán hàng/nhà cung cấp là thủ phạm gian lận bên ngoài gây ảnh hưởng nhiều nhất tới DN.
● 13% số người tham gia khảo sát từng gặp gian lận trong 2 năm qua cho biết họ chịu tổn thất hơn 50 triệu USD.
● Chống độc quyền, giao dịch nội gián, gian lận thuế, rửa tiền, hối lộ và tham nhũng là năm loại hình tội phạm trực tiếp gây ra tổn thất nghiêm trọng nhất về tài chính – nhiều trường hợp phải chịu thêm các chi phí khắc phục đáng kể.