[links()] Hàng chục năm nay sống bên cạnh nhà Trần Thị Thủy (SN 1966, ngụ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), hàng xóm cũng không biết rằng phía sau vẻ yên bình của ngôi nhà là “sóng ngầm hơn 10 năm người chồng dằn hắt, nghi ngờ đứa con trai út của mình là “con của thằng khác”. Mâu thuẫn không được hóa giải này đã khiến Thủy ra tay giết hại chồng mình.
Vợ “tí hon” “hạ gục” chồng lực lưỡng
Sáng sớm ngày 05/05/2005, một người đàn bà với dáng vẻ siêu vẹo, quần áo xộc xệch, mặt xanh mét đi thẳng vào trụ sở công an xã Vị Đông, chủ động: “Tôi vừa giết người, đến xin mấy chú tự thú”. Qua vẻ mặt hốt hoảng của người phụ nữ, nhận thấy những điều chị ta trình bày là có căn cứ và rất nghiêm trọng nên cán bộ trực ban đã lập tức báo cáo lãnh đạo cũng như cấp báo lên cấp trên, đề nghị cử lực lượng xuống hiện trường để thụ lý theo thẩm quyền.
Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Văn K (SN 1965, chồng chị Thủy) đang nằm ở giữa nhà và theo bộ phận giám định pháp y thì người này dã chết cách đó hơn một tiếng đồng hồ. Khám nghiệm tử thi ghi nhận nạn nhân có nhiều vết thương, trong đó vùng đầu có 3 vết thương, ngoài ra còn có các vết thương xây xát da ở vùng lưng, cẳng tay phải và mặt ngoài cẳng chân trái. Các bác sĩ pháp y kết luận nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do chấn thương sọ não nặng (xương sọ vùng chẩm trái bị vỡ thành nhiều mảnh gây chảy máu toàn bộ dưới màng não).
Tại hiện trường, công an cũng thu giữ được một khúc cây bạch đàn dài hơn một mét, to cỡ cổ tay người lớn trên đó còn có dính vết máu và tóc ngắn (nghi là của nạn nhân).
Qua hung khí gây án và các vết thương chí mạng để lại trên người nạn nhân, thoạt nhìn qua cảnh sát đã mang nghi ngờ: “Chị vợ nhỏ con và sức yếu hơn chồng rất nhiều, sao có thể “dễ dàng” hạ gục một nạn nhân to con được như vậy? Mặt khác động cơ gây án của Thủy cũng chưa thực sự rõ ràng mặc dù chị ta đã tự thú mình là kẻ giết chồng?”.
Một số trinh sát tỏa đi xung quanh ghi nhận những biểu hiện lạ, xác minh các mối quan hệ của nạn nhân để xác định có hay không đồng phạm trong vụ án; một nhóm trinh sát khác đấu tranh với nghi phạm là người vợ ngay tại hiện trường.
Trong khi đó qua xác minh từ gia đình nạn nhân, những đứa con của hai vợ chồng (lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 11 tuổi) và những người hàng xóm thì cuộc sống của hai vợ chồng Thủy không khó khăn do gia đình nhà chồng khá giả nên thường xuyên hỗ trợ tiền bạc. Còn mâu thuẫn giữa hai vợ chồng tuy có nhưng cũng không đến nỗi nghiêm trọng, tuy có tranh cãi nhưng chưa một lần xảy ra xô xát, đánh lộn nhau.
Những thông tin này buộc cơ quan điều tra phải một lần nữa xoáy sâu vào nghi vấn: “Có khi nào nạn nhân bị người khác giết rồi Thủy đứng ra nhận tội thay; hay chí ít cũng phải có sự giúp sức của kẻ thứ hai mới giúp Thủy “hạ đo ván” chồng mình?”. Một lần nữa kết hợp đấu tranh với nghi phạm và lấy thêm lời khai của những đứa con trong nhà, động cơ và hung thủ gây án mới được làm rõ.
Án mạng từ ấm ức ghen vô cớ
Sự việc cuối cùng được làm sáng tỏ như sau: Vợ chồng Thủy kết hôn với nhau đã được gần 20 năm và đã có với nhau ba mặt con, bao gồm hai gái và một trai. Chồng Thủy rất chăm chỉ làm ăn, yêu vợ và lo cho gia đình nhưng mắc cái tật là “hay ghen tuông vớ vẩn”. Đặc biệt điều khiến vợ chồng Thủy suốt 20 năm nay “hục hặc” nhau là anh chồng vẫn có ý nghĩ cho rằng “thằng con trai không phải là con ruột của tao”. Với suy nghĩ vô căn cứ này, người chồng thường xuyên ngược đãi, đánh đập đứa con trai một cách vô cớ từ nhiều năm qua.
Những lúc đó, vì xót con còn nhỏ nên Thủy thường xuyên bênh vực con; nhưng càng bênh vực thì cũng bị chồng chửi bới, mắng nhiếc thậm tệ hơn. Thủy khai: “Có giải thích thế nào ổng cũng không nghe nên tôi vô cùng ấm ức nhưng vẫn phải gắng nhịn trong lòng hàng chục năm”. Nỗi uất ức lớn dần biến thành sự uất hận, Thủy nảy sinh ý định rồ dại là giết chết chồng mình để có thể “giải thoát” cho bốn mẹ con. Để thực hiện kế hoạch, Thủy chuẩn bị sẵn khúc cây bạch đàn rồi dấu sẵn vào bó dây chuối khô cạnh nhà để chờ cơ hội ra tay sát hại chồng.
Sáng ngày xảy ra án mạng, nhìn thấy chồng đang loay hoay dưới bếp chắt nước nồi cơm, quay lưng ra phía cửa nên người vợ đã quyết định hành động. Thủy đi lấy khúc cây bạch đàn rồi rón rén đi tới “tặng” cho chồng một nhát đập “trời giáng” rồi bỏ chạy. Một nhát đập chưa khiến người đàn ông lực lưỡng gục ngã nên có lẽ vì uất ức, anh nhấc cả cánh cửa nhà bếp đuổi theo vợ.
Bị chồng “gí”, trong cơn sợ hãi nên “máu điên” trong người phụ nữ này nổi lên và Thủy dừng lại “nghênh chiến”. Không may mắn cho anh chồng khi nhát đập thứ hai của vợ lại cũng giáng trúng đỉnh đầu và nạn nhân ngã khụy xuống nền nhà. Lúc này cả 3 đứa con của vợ chồng Thủy chạy đến can ngăn nhưng người mẹ vẫn không chịu dừng lại mà vác cây bạch đàn đập thêm chồng nhiều nhát đến tắt thở. Người vợ tàn ác sau khi gây án thì đi thẳng đến công an xã tự thú.
Những cán bộ chức năng tham gia phá án đến lúc này vẫn chưa thực sự tin với động cơ, phương thức giết chồng của Thủy nên một lần nữa để củng cố chứng cớ một cách khách quan và toàn diện, công an đã quyết định để nghi phạm thực hiện điều tra lại trên hiện trường vụ án. Kết quả cho thấy lời khai của Thủy phù hợp với dấu vết để lại tại hiện trường, trên người nạn nhân, kết quả giám định pháp y cũng như lời khai của các nhân chứng. Đối tượng Thủy bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi giết người.
Hơn 3 tháng sau ngày xảy ra vụ án, TAND tỉnh Hậu Giang đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa khi được hỏi vì lý do nào mà lúc đầu bị cáo không khai rõ nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng mà lại quanh co gian dối, người vợ rưng rưng nước mắt: “Bị cáo sợ ảnh hưởng tới tâm lý của các con, sợ bà con hàng xóm dị nghị chúng”.
Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng xấu tới tâm lý phát triển sau của các con nên cần phải xử lý nghiêm.
Qua xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Tòa tuyên phạt Trần Thị Thủy 12 năm tù về tội giết người. Về phần trách nhiệm dân sự, do các con của bị cáo và cũng là những người đại diện hợp pháp của bị hại không có yêu cầu nên Tòa không xem xét.
Thương cảm nhất là câu chuyện của ba đứa con trong gia đình, vì mẹ cha mâu thuẫn mà hậu quả chúng phải gánh chịu, nay cha đã qua đời, mẹ vào tù, trong nhà không còn nổi một cắc bạc. Đứa lớn mếu máo: “Chúng con đã bán hết số lúa còn lại trong nhà mới được số tiền hơn 4 triệu đồng, còn không đủ tiền làm ma cho cha mà phải nhờ sự hỗ trợ của làng xóm và chính quyền. Nay cả cha mẹ đều không còn ở nhà, chúng con còn biết nương tựa vào ai?”. Bị cáo Thủy không trả lời được câu hỏi này của các con, chỉ nước mắt lưng tròng theo cán bộ dẫn giải bước về trại giam.
Thanh Hậu