Nguyên đơn trong vụ kiện là cụ Võ Thị Diềm (90 tuổi, ngụ khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa).
Theo trình bày, từ 1972, gia đình cụ khai hoang 4.800m2 đất tại khu phố Phú Thọ 1 (thửa đất số 130, 160 thuộc tờ bản đồ số 19-A) trồng hoa màu. Sau năm 1975, gia đình vẫn tiếp tục sử dụng diện tích đất này và không ai tranh chấp.
Đầu năm 2012, UBND huyện Đông Hòa thu hồi diện tích 4.800m2 trên để xây công trình Tiểu dự án 3 - đường từ KCN Hòa Hiệp 1 đến Bắc cầu Đà Nông (thuộc dự án Hạ tầng Nam TP Tuy Hòa - Vũng Rô) nhưng không lập phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất; không ban hành quyết định thu hồi đất.
Cụ Diềm ủy quyền cho con trai là ông Lê Đức Hiên khởi kiện, yêu cầu UBND huyện Đông Hòa đền bù và cấp nền tái định cư.
Trong khi đó, bị đơn là UBND huyện Đông Hòa cho rằng: Theo biên bản cuộc họp ngày 29/1/2011 về việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện dự án ở hai thôn Phú Thọ 1 và Phú Thọ 2 do UBND xã Hòa Hiệp Trung chủ trì; và tại Tờ trình số 123 ngày 24/10/2011, Tờ trình số 82 ngày 13/6/2012 của UBND xã đều không có tên cụ Diềm. Còn tại mục kê quyển số 2, trang số 6, tờ bản đồ số 19-A thửa đất số 130 diện tích 2.129m2 và thửa đất số 160, trang số 07, tờ bản đồ số 19-A diện tích 2.412m2 đều là “loại đất thổ chưa giao), do UBND xã Hòa Hiệp Trung (nay là thị trấn Hòa Hiệp Trung) quản lý. Do đó, việc cụ Diềm yêu cầu huyện bồi thường, hỗ trợ, cấp đất tái định cư là không có cơ sở.
Tại phiên sơ thẩm ngày 26/2/2016, TAND huyện Đông Hòa xác định: Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ tại tờ bản đồ 19-A được lập vào năm 1995, thửa đất số 130, 136 của hộ cụ Diềm có diện tích 4.541m2 thể hiện trên hồ sơ địa chính. Tòa tuyên xử: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Diềm… Buộc UBND huyện Đông Hòa phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất và ban hành quyết định thu hồi đất với diện tích 4.541m2 cho hộ gia đình cụ Diềm theo quy định Luật Đất đai”.
Sau phiên sơ thẩm, UBND huyện kháng cáo, cho rằng đất này do UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung quản lý. Nhưng tại phiên phúc thẩm, đại diện UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung lại xác nhận phần đất đang khởi kiện là của cụ Diềm khai hoang từ năm 1972, sử dụng đất canh tác ổn định và không có tranh chấp. Các hộ dân liền kề cũng xác nhận như trên.
Tại phiên phúc thẩm ngày 2/6/2016, TAND tỉnh Phú Yên không chấp nhận kháng cáo của UBND huyện Đông Hòa, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau đó bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án TAND huyện đã nhiều lần ra quyết định buộc UBND huyện phải thi hành bản án hành chính sơ thẩm nhưng UBND huyện vẫn chưa thực hiện.
Ông Hiên cho biết sau khi bản án có hiệu lực, ông đã làm đơn yêu cầu thi hành án đến các cơ quan chức năng. Và từ tháng 4 đến tháng 6/2019, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, VKSND tỉnh, Chi cục THADS tỉnh và huyện Đông Hòa đã nhiều lần “nhắc nhở” UBND huyện Đông Hòa, yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc.
Được biết, UBND huyện Đông Hòa đã giao Thanh tra huyện hai lần báo cáo kết quả vào các ngày 25/5 và 15/7, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái bồi thường, hỗ trợ nào cho bên thắng kiện.
Liên quan đến Tiểu dự án 3 (đoạn từ KCN Hòa Hiệp 1 đến phía Bắc cầu Đà Nông thuộc dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa – Vũng Rô), một số người dân tại đây cho biết, hàng chục hộ khác cũng rơi vào tình trạng giống gia đình cụ Diềm.
Trước đó, ngày 11/9/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã bắt tạm giam với ông Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo làm trái quy định của Nhà nước” trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư một dự án tại địa phương, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng.