UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo… sử dụng xi măng Xuân Thành

(PLO) - Doanh nghiệp kinh doanh cung ứng vật liệu xây dựng, đặc biệt là mặt hàng xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không khỏi bất ngờ và thất vọng khi đọc công văn của UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn phải… sử dụng xi măng Xuân Thành cho công trình có vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm Nhà máy Xi măng Xuân Thành vào ngày 31/8. Ảnh: Linh Chi
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm Nhà máy Xi măng Xuân Thành vào ngày 31/8. Ảnh: Linh Chi
Ngày 14/5/2014, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Công văn số 1747/UBND-KTN về việc hỗ trợ sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các công trình bê tông hóa mặt đường giao thông nông thôn. Công văn này gửi các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND các huyện, thành phố toàn tỉnh và đặc biệt là gửi Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 của Tập đoàn Xuân Thành.
UBND tỉnh “nhiệt tình” hỗ trợ một doanh nghiệp 
Công văn nêu rõ: Hiện nay, Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 - PV) đã đi vào hoạt động và có sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng để cung ứng ra thị trường. Để hỗ trợ tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 trong đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND có ý kiến như sau:
Hàng năm, trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn được UBND tỉnh phân bổ và kinh phí đối ứng của ngân sách cấp huyện và cấp xã, UBND các huyện, thành phố xác định lại khối lượng công trình giao thông nông thôn thực hiện trên địa bàn và nhu cầu xi măng cần sử dụng; phân bổ kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn và số lượng xi măng cho các xã; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã lập kế hoạch sử dụng, thời gian cung ứng và vị trí tiếp nhận xi măng, gửi các cơ quan chuyên môn của huyện để tổng hợp.
UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn của huyện làm việc cụ thể với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2, thỏa thuận, thống nhất về chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian cung ứng và vị trí tiếp nhận xi măng, ký hợp đồng mua xi măng với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2; đảm bảo giá xi măng mua của Công ty này không cao hơn sản phẩm có cùng tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường tại cùng thời điểm và thời gian cung ứng, vị trí tiếp nhận thuận lợi theo yêu cầu của các xã.
Đối với Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư bê tông hóa mặt đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh hàng năm để thực hiện chương trình đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện. Theo dõi tình hình cung ứng xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 và sử dụng tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc (nếu có).
Không những thế, UBND tỉnh Quảng Nam còn “nhiệt tình” chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 tổ chức mở rộng đại lý phân phối xi măng tại trung tâm các huyện, thành phố để thuận tiện cho việc cung ứng và làm việc với UBND các huyện, thành phố để ký hợp đồng tiêu thụ; cung cấp xi măng theo đúng nội dung hợp đồng ký kết, đảm bảo chất lượng, tiến độ, địa điểm bàn giao theo đúng yêu cầu của các chủ đầu tư. 
Công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh phải sử dụng xi măng Xuân Thành của UBND tỉnh Quảng Nam
Công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương toàn
tỉnh phải sử dụng xi măng Xuân Thành của UBND
tỉnh Quảng Nam 
“Can thiệp quá sâu”
Trước sự việc này, ông Trần Ngọc Đây, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Đây (doanh nghiệp chuyên cung ứng vật liệu xây dựng, trong đó mặt hàng xi măng là chủ lực) bức xúc: “Sơ bộ như vậy là UBND tỉnh Quảng Nam đã can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm xi măng của Xuân Thành rồi. Tôi đã tận mắt thấy, đọc được công văn của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch ký. Can thiệp quá sâu vào xi măng Xuân Thành là điều không nên vì mỗi doanh nghiệp “sinh ra” đã có quyền bình đẳng về kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và phải đúng Luật Cạnh tranh nữa. Không có chuyện anh ưu ái bên này mà coi nhẹ bên kia được. Lâu nay tôi và một số đại lý cung cấp xi măng trên địa bàn chỉ nghe nói loáng thoáng nhưng nay là thực tế bằng công văn rồi”.
Ông Trần Ngọc Đây cho rằng, chắc chắn khi công văn này ra đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng tiêu thụ các loại xi măng khác. “Trước đây tôi có nghe bên Công ty Xuân Thành nói vậy nhưng giờ mới thật sự biết là UBND tỉnh Quảng Nam có công văn chỉ đạo thẳng. Theo cá nhân tôi thì UBND tỉnh can thiệp quá sâu, ủng hộ quá vào ngành nghề và đó là cạnh tranh không lành mạnh. Việc chọn sản phẩm xi măng nào để sử dụng vào công trình nào là quyền quyết định của chủ đầu tư chứ không thể UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo như vậy được. Hiện nay trong hồ sơ thiết kế xây dựng các công trình chỉ ghi là sử dụng xi măng: PC 30, PC 40 TCVN... chứ không ghi đích danh là sử dụng xi măng loại nào” - vị này phân tích.
Theo ông Đây, lâu nay các địa phương thường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung ứng các loại xi măng xây dựng đường bê tông nông thôn, “vậy bây giờ công văn chỉ đạo như rứa thì việc làm ăn của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất nhiều”.
Sau sự việc chỉ đạo uống bia Sài Gòn tại Hà Tĩnh là sự việc này. Có vẻ như cùng sự sốt sắng với công nghiệp địa phương, lãnh đạo các tỉnh cũng nên có cái nhìn đại cục và đọc qua Luật Cạnh tranh.
Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý Nhà nước
Cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:
1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;
4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
(Điều 6 Luật Cạnh tranh)

Đọc thêm