Gian lận hay trợ giúp?
Tại Mỹ, công nghệ AI đang ngày càng len lỏi vào các trường học, nhưng một nghịch lý đang dần lộ rõ. Chia sẻ với tờ New York Times, bà Jennifer Carolan, cựu giáo viên lịch sử và là người sáng lập quỹ đầu tư Reach Capital chuyên đầu tư vào các công cụ học tập AI, nhận định “công nghệ AI đã và đang được phần lớn giáo viên và học sinh sử dụng”. Tuy nhiên, một số giáo viên lo ngại rằng các công ty công nghệ đang dồn lực phát triển các ứng dụng như chatbot dạy kèm, làm xáo trộn mối quan hệ giữa con người - vốn là cốt lõi của giáo dục - thay vì tạo ra công cụ để giảm bớt gánh nặng hành chính.
Trong khi đó, nhiều học sinh cấp hai ở quốc gia này đã khá quen thuộc với việc sử dụng AI trong học tập. Thậm chí, trên một số mạng xã hội, các em học sinh đã “kháo nhau” về các “mẹo” giải bài khó, chẳng hạn “chụp ảnh bài toán và đưa vào một trong số các ứng dụng AI miễn phí, kết quả là có ngay đáp án kèm cách giải từng bước”. Nhiều nhà giáo dục ở quốc gia này đã chỉ trích việc học sinh dùng các ứng dụng toán như PhotoMath hay Google Lens (đều là sản phẩm của Google) là một hình thức gian lận. Dù vậy, họ không thể phủ nhận AI rất hữu ích trong công việc của mình, chẳng hạn như phân tích dữ liệu học tập và hành vi của học sinh để chia nhóm hỗ trợ, tiết kiệm thời gian làm những việc lặp đi lặp lại, thậm chí “giao khoán” cả những công việc quan trọng như chấm bài luận hay hỗ trợ học sinh yếu.
Không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang ứng dụng AI nhiều hơn vào ngành giáo dục. Nhiều minh chứng cho thấy, những môn học khô khan như lịch sử có thể trở thành hành trình khám phá hấp dẫn nếu AI được ứng dụng đúng đắn. Tại Anh, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London sử dụng AI để phân tích hàng triệu hiện vật cổ và tái hiện lại hành vi của các loài sinh vật cổ đại qua hình ảnh 3D sống động, hỗ trợ học sinh trải nghiệm lịch sử bằng thị giác thay vì chỉ đọc sách giáo khoa. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các giáo viên đang sử dụng AI để tạo ra các bài học tương tác, trong đó học sinh được “đặt vào hoàn cảnh” của một sự kiện lịch sử - như Hội nghị San Francisco hoặc Cách mạng Minh Trị - và phải đưa ra quyết định như một nhân vật trong thời kỳ đó. Phương pháp nhập vai này giúp lịch sử không còn là chuỗi sự kiện phải ghi nhớ, mà trở thành môi trường để học sinh luyện tư duy phản biện, cảm nhận bối cảnh chính trị - xã hội và hiểu rõ hơn về các lựa chọn đạo đức trong quá khứ.
Quay trở lại Mỹ, nhiều trường trung học đã áp dụng các nền tảng như Chronicle AI - công cụ cho phép học sinh “trò chuyện” với các nhân vật lịch sử như Abraham Lincoln hay Martin Luther King Jr, nhờ AI mô phỏng ngôn ngữ và tính cách của họ, từ đó tăng khả năng ghi nhớ và tư duy phản biện. Hay như ở Providence, bang Rhode Island, một giáo viên lịch sử cấp 2 đã huấn luyện ChatGPT bằng hàng chục trang giáo trình tự viết để phục vụ cho việc rút gọn văn bản, tạo bài tập mẫu hay bài luận sai để học sinh học cách phân tích. Ông cũng công khai với học sinh về cách mình sử dụng AI - một cách để giáo dục đạo đức số.
Ngành kinh doanh tỷ đô trong giáo dục
Tận dụng khả năng AI có thể góp phần giải quyết những thách thức cho cả người học và hệ thống giáo dục, nhiều công ty công nghệ ở Mỹ đã nhanh chóng phát triển các công cụ liên quan. Đơn cử như MagicSchool hay Brisk Teaching đã cung cấp các công cụ phản hồi tự động cho bài viết, hỗ trợ giáo viên chấm các bài luận của học sinh.
Thậm chí, công nghệ AI còn được sử dụng trong phần chấm điểm tại các kỳ thi quan trọng. Ví dụ, bang Texas (Mỹ) đã ký hợp đồng 391 triệu USD với Cambium Assessment để chấm bài tự động. Dù đây không phải là công nghệ AI tạo sinh nội dung mới, nhưng vẫn là công cụ AI được huấn luyện bằng hàng ngàn bài viết đã chấm điểm. Các công cụ này vẫn có sai số và phải được giám sát bởi con người. Dù vậy, Giám đốc Sở Giáo dục bang Texas cho rằng sai số vẫn nhỏ hơn so với xác suất sai số do người chấm bài; trong một số trường hợp, AI có thể mang lại độ chính xác cao hơn.
![]() |
Mọi công cụ công nghệ ứng dụng trong lớp học phải được đánh giá khắt khe. |
Trong 2 năm qua, các công ty kết hợp AI và giáo dục đã gọi vốn 1,5 tỷ USD. Các tập đoàn lớn như Google, Microsoft hay Khan Academy cũng không đứng ngoài cuộc, liên tục thúc đẩy tầm nhìn tích hợp AI vào nghiên cứu, dạy kèm và thiết kế nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, làn sóng ứng dụng này cũng đi kèm với những thách thức. Một số địa phương đã vấp phải thất bại khi hợp tác với các startup non trẻ trong việc phát triển chatbot giáo dục, sau rồi phải gánh chịu hệ lụy cả về tài chính lẫn uy tín do sản phẩm kém chất lượng hoặc sai phạm nghiêm trọng, vướng vòng lao lý do cáo buộc gian lận.
Phải đánh giá khắt khe mọi công cụ công nghệ trong lớp học
Công nghệ nói chung và AI nói riêng trong giáo dục ngày nay đang trở thành một “vấn đề nan giải” ở nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ vì sự phức tạp trong cách vận hành, mà còn bởi tính đa chiều, liên tục thay đổi và khó xác định ranh giới rõ ràng. Bởi vậy, giải pháp cho bài toán này cần toàn diện, linh hoạt và phù hợp với từng cấp học, từng địa phương. Một công cụ hiệu quả với học sinh thành thị chưa chắc đã phù hợp với học sinh vùng nông thôn và ngược lại.
Nhiều chuyên gia và nhà giáo dục đồng thuận rằng công nghệ, dù hữu ích, đang phát triển quá nhanh so với khả năng thích ứng và kiểm soát của trường học. Nhiều công cụ được đưa vào lớp học không phải vì nhu cầu thực tế, mà vì được cung cấp miễn phí hoặc giá rẻ từ các công ty công nghệ. Trật tự này cần được đảo ngược: các trường học cần xuất phát từ nhu cầu thực tế, xác định rõ điều gì thực sự phục vụ tốt cho học sinh, rồi mới lựa chọn công cụ phù hợp. Phần lớn công nghệ hiện có không được phát triển chuyên biệt cho giáo dục, mà là sản phẩm thương mại được điều chỉnh lại. Vì vậy, hiệu quả thực sự, nếu có, thường chưa được kiểm chứng rõ ràng. Ngay cả các ứng dụng AI được quảng bá rầm rộ cũng có thể gặp vấn đề cơ bản, như việc không giải được các bài toán đơn giản.
Trước bối cảnh đó, điều quan trọng là mỗi công cụ cần phải vượt qua hai câu hỏi then chốt: “Nó có thật sự cần thiết?” và “Đây có phải là cách tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ giáo dục không?”. Rõ ràng, đây không chỉ là bài toán công nghệ, mà còn là câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả sư phạm.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia giáo dục Mỹ, ở cấp chính sách, cần có một cơ quan độc lập đánh giá và tái kiểm định định kỳ các sản phẩm công nghệ giáo dục, đồng thời thiết lập quy định nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu học sinh. Mọi dữ liệu thu thập được nên bị hủy sau khi hoàn thành mục đích, không được tái sử dụng hoặc phục vụ huấn luyện AI. Ở cấp địa phương, cần có những động thái cụ thể như tuyển giám đốc an ninh thông tin để rà soát và kiểm soát toàn bộ phần mềm giáo dục trong hệ thống. Ngoài ra, việc yêu cầu nhà cung cấp đồng thời cung cấp bản giấy và bản số cho cùng một nội dung giảng dạy là cách hiệu quả để bảo đảm sự linh hoạt và không lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Ở cấp lớp học, giáo viên có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản như kiểm tra công cụ đang dùng trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi: liệu công cụ đó có mang lại điều gì mới mẻ, hay chỉ lặp lại những gì đã có? Đôi khi, một giải pháp không cần đến phần mềm, như việc yêu cầu học sinh xoay màn hình về phía giáo viên, lại mang lại hiệu quả tương đương mà không phát sinh chi phí.
Cuối cùng, điều giá trị nhất của giáo dục không nằm ở công nghệ, mà là sự kết nối con người. Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là không gian để học sinh học cách sống, cảm nhận và gắn kết với những giá trị sâu sắc. Công nghệ có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế vai trò của sự hiện diện và đồng hành thật sự. Trong một thế giới đang ngập tràn dữ liệu và thuật toán, điều học sinh cần hơn cả vẫn là những mối quan hệ chân thành, nhân văn và đầy cảm hứng.