Trước đó, ngày 17/5, Dự án làm sạch nước hồ Hạnh Phúc đã được triển khai bằng công nghệ Bakture do Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tài trợ và thực hiện.
Tại cuộc họp ông Yamamura Tadashi - Chủ tịch tổ chức Các-bon thấp Nhật Bản, chuyên gia Liên Hợp quốc về xử lý môi trường cho biết: “Việc dùng sản phẩm bột Bakture xử lý ô nhiễm làm sạch nước là một công nghệ mới, thân thiện với môi trường và bền vững và đây cũng là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy chất lượng nước hồ Hạnh Phúc được cải thiện rất rõ sau xử lý sau gần 2 tháng (17-5-2017 đến 10/7/2017).
Cụ thể, các thông số môi trường đã hầu như đạt yêu cầu theo cột B2 và đang tiến tới cột B1 của QCVN. Thông số: TSS (34,7 mg/l) đã gần đạt đến cột A2 (nước dành cho sinh hoạt <30 mg/l). Nitơ tổng và phosphat cũng đã gần đạt yêu cầu cho nước sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm giảm đi rõ rệt. Độ trong suốt đạt đến 60 – 67 cm. Nước hầu như không bốc mùi hôi và khó chịu.
Nhìn chung, quá trình xử lý của bột Bakture đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, dự kiến đến tháng thứ 3 (17/8), các thông số môi trường có thể đáp ứng hoàn toàn cột B2 và thậm chí là cả cột B1 của Quy chuẩn môi trường Việt Nam”.
Trong khuôn khổ chương trình công bố kết quả xử lý ô nhiễm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết thêm: “Nguyên lý của công nghệ Bakture này đặc biệt nhất: “Tăng khả năng “Tự làm sạch” của môi trưởng đã xử lý. Bản chất của công nghệ này là dùng bột Bakature để làm chất xúc tác, kích thích sự phát triển của vi sinh vật hiếu khí và hiếm khí hoạt động và phân giải các chất độc hại trong nước. Vì thế, nó không kén môi trường có thể áp dụng ở nhiều môi trường ô nhiễm khác nhau. Thời gian tới đây, chúng tôi tiến hành triển khai thử nghiệm công nghệ này để xử lý thử nghiệm một phần nước hồ Hoàn Kiếm và một phần vùng biển ô nhiễm ở tỉnh miền Trung trong sự cố Formosa Hà Tĩnh”.