Ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tăng năng suất, nâng cao thu nhập nông hộ và cải thiện môi trường là những kết quả bước đầu sau hơn 5 năm triển khai ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trên cây ngô. Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2023 đã định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và hiện đại…
Chia sẻ về việc ứng dụng CNSH trên cây ngô tại Hội thảo.
Chia sẻ về việc ứng dụng CNSH trên cây ngô tại Hội thảo.

Kết quả bước đầu…

Là một trong các thành tựu khoa học nổi bật của thế kỷ trước, song tại Việt Nam, cây trồng CNSH đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ 2014-2015 trên cây ngô. 

Việc đưa các giống CNSH thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước. 

Ngô ứng dụng công nghệ sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 Ngô ứng dụng công nghệ sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô CNSH khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng. 

Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3,500 ha chiếm chưa tới 1% tổng diện tích; tới nay diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Chỉ so sánh riêng giai đoạn 2018 – 2019, tỷ lệ tăng trưởng là 86%.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mai Giống Cây trồng Việt Nam (VSTA)  nhớ lại, Việt Nam đưa các giống CNSH vào sản xuất trong giai đoạn cây ngô gặp rất nhiều khó khăn và điều này cũng giải thích phần nào khi tỷ lệ ứng dụng các giống ngô này có tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. 

Mặc dù nhu cầu sử dụng ngô cho ngành chăn nuôi tăng nhanh mỗi năm nhưng diện tích trồng ngô trong nước 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm. Ngô trong nước đang phải chịu áp lực rất lớn từ ngô hạt nhập khẩu cả về giá và về chất lượng, nông dân nhiều vùng đã chuyển sang các cây trồng khác khi lợi nhuận thu được từ canh tác ngô không cao, đặc biệt khi giá thu mua trong nước giảm mạnh. 

Một nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô CNSH với các tính trạng chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm do VSTA phối hợp với Viện PG Economics (Anh Quốc) đã tiến hành vào năm 2019 – 2020 cho thấy, năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30%;

Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô CNSH cũng gia tăng với mức từ 196- 330 USD/ ha (tương đương với khoảng 4,5- 7,6 triệu đồng/ha). Tổng thu nhập tích luỹ tăng thêm khi ứng dụng ngô CNSH từ 43.8 - 74.1 triệu USD (tương đương với 1.007- 1.704 tỷ đồng); Về tỷ suất đầu tư, trung bình với mỗi 1 USD (khoảng 23,000 đồng) đầu tư thêm cho hạt giống CNSH, nông dân sẽ có lợi nhuận gia tăng từ 6,84- 12,55 USD (tương đương với khoảng 157.000- 289.999 đồng) - đây là tỷ suất đầu tư cao đáng kể so với các nước khác đang ứng dụng công nghệ tương tự. 

Đặc biệt, ượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô CNSH giảm đáng kể: với thuốc từ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%; các tác động môi trường tính toán được từ việc giảm các loại thuốc này tương ứng là 36% và 77% (theo chỉ sổ EIQ)…

“Tỷ lệ ứng dụng ngô CNSH đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các dịch hại mới gần đây đã cho thấy mức độ chống chịu và thích ứng rất hiệu quả của các giống mới này với điều kiện canh tác ngô trong nước.  Cùng lúc đó, các kết quả nghiên cứu khả quan công bố hôm nay một lần nữa củng cố thêm các dữ liệu thực tế để chứng minh việc đưa các giống ngô CNSH tiên tiến vào sản xuất là một quyết định đúng đắn…”-  Lãnh đạo VSTA nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện VSTA, mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng đây vẫn được xem là công cụ quan trọng giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi một cách chủ động hơn đồng thời cải thiện vai trò cây ngô trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam…

Hướng tới mục tiêu tăng thêm tối thiểu 30% doanh nghiệp công nghệ sinh học

Tại Hội thảo “Đóng góp của cây trồng CNSH trong Nông nghiệp tại Việt Nam” do VSTA cùng TW Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức Quốc tế và Ứng dụng và Tiếp Thu Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA) tổ chức chiều 7/4, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tich TW Hội Nông dân Việt Nam đã nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách về ứng dụng cây trồng CNSH trong nông nghiệp, hướng tới đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững… 

Ông Định cũng chia sẻ, Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư TW  Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định CNSH là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhận định về tương lai về ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dan Việt Nam cho biết, theo Quyết định  429/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2021 vừa qua về việc phê duyệt Đề án phát triển CNSH ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025.

“Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung là việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.”- ông Định nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam cũng khẳng định, sau hội thảo này, Hội Nông dân Việt Nam, VSTA và Tổ chức ISAAA sẽ tiếp tục thảo luận và phối hợp xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng CNSH cũng như giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng cây trồng CNSH vào thực tiễn tại địa phương…

Nông dân nói gì?

Tại Hội thảo, ông Hoàng Trọng Ngãi, người trồng và chịu trách nhiệm hướng dẫn bà con nông dân trong hợp tác xã tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ ông cùng bà con tại xã Đức Bác đã canh tác hơn 120 ha ngô CNSH kể từ 2015 khi giống ngô CNSH được đưa vào trồng trọt. Lý do lựa chọn canh tác giống ngô CNSH, ông Ngãi cho biết,  ngô CNSH có những đặc tính tốt. Đó là kháng được sâu bệnh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện thiên nhiên, thời tiết bất thuận…. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, nông dân trồng ngô tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết ông lựa chọn trồng ngô CNSH là do lợi ích kinh tế đồng thời hiệu quả trong bảo vệ môi trường mà giống cây đem lại. “Các giống ngô CNSH đã giúp kháng các loại sâu lên tới 95%, trong khi đối với các giống ngô thường, đặc biệt vào điều kiện nhiệt độ cao như tại Nghệ An thì sâu phá hoại gần như toàn bộ, dẫn đến không còn thu hoạch. Nhờ vào việc không phải phun thuốc trừ sâu, gia đình tôi tiết kiệm được chi phí mua thuốc, chi phí phun thuốc, năng suất ngô CNSH tăng tới 20% so với trước kia. Việc không phun thuốc cũng giúp bảo vệ môi trường tốt hơn” – ông Phong chia sẻ. 

Đọc thêm