“Cứu tinh” của nhiều doanh nghiệp nông sản

(PLVN) - Năm 2020, chính nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông sản vẫn giữ được đà tăng trưởng, nông sản vẫn đến được nhiều thị trường nhờ thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của tương lai mà nó đang hiện hữu trong sự phát triển của từng đơn vị.
Khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình khép kín trồng dưa lưới quanh năm tại Bình Phước.
Khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình khép kín trồng dưa lưới quanh năm tại Bình Phước.

Tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng Covid-19

Năm 2020, lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với dịch bệnh trăm năm có một Covid-19. Ngay lập tức, các chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản bị gián đoạn do chính sách kiểm soát, phong tỏa các quốc gia đặt ra để kiềm tỏa sự lây lan của loại virus bí ẩn.

Bắt đầu từ tháng 3/2020, khi dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), đã nhìn thấy những tác động tiêu cực trong xuất khẩu nông sản khi những chuyến hàng buộc phải nằm chờ lâu hơn ở cửa khẩu do khâu kiểm soát chặt chẽ thêm một bước. Rồi khi dịch lan sang châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp (DN) đã nhìn thấy rõ những khó khăn khi các đơn hàng buộc phải hủy hoặc chậm giao. Những khó khăn của ngành gỗ là một ví dụ.

Nhưng trải qua một số lúng túng ban đầu, bằng nhiều biện pháp, trong đó có tích cực chuyển đối số, các DN đã chủ động nắm bắt từng khe hẹp của thị trường, đưa nông sản Việt đến được nhiều thị trường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nói về một năm sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đại diện một DN chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản cho biết, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 200% so với năm 2019 nhờ chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản.

“Là một thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chúng tôi xác định, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bí quyết giúp DN vượt qua những điểm nghẽn của thị trường do tác động của dịch Covid-19. Nhờ vậy, mặc dù dịch ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông hàng hóa do các biện pháp kiểm soát nhưng hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng rất khả quan”, ông cho biết.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà DN này đạt được kết quả vô cùng ấn tượng ngay cả khi dịch Covid-19 khiến nhiều DN lao đao. Cả chục năm trước, DN này đã chủ động đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa công ty trở thành một trong những DN đầu tiên của Việt Nam giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba. 

“Ngay từ năm 2005, chúng tôi đã đăng ký là thành viên miễn phí của Alibaba. Nhờ giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng này, chúng tôi đã tìm kiếm được các đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới và dần cải thiện sản xuất. Năm 2009, DN đã trở thành thành viên Gold Supplier của Alibaba. Có thời điểm, các đơn hàng thông qua Alibaba chiếm đến 80% doanh thu năm của Cty, với các khách hàng đến từ khắp nơi như: Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi, Trung Đông… Nhờ bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, có lúc chúng tôi nhận được 200 đơn hàng/tháng”, đại diện DN cho biết thêm.

Hiện DN này vẫn tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trao đổi trực tuyến với khách hàng nên dịch Covid-19 tác động không đáng kể đến hoạt động của DN.

Sản phẩm nông nghiệp sạch có thể truy xuất nguồn gốc thông qua phần mềm ứng dụng.
Sản phẩm nông nghiệp sạch có thể truy xuất nguồn gốc thông qua phần mềm ứng dụng.

Luồng sinh khí mới trong ngành Nông nghiệp

Chia sẻ tại Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) hồi tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: “Chưa bao giờ có trào lưu DN đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng số hoá vào lĩnh vực này như hiện nay”. Ông Cường kể, gần 20 năm trước khi gặp Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói về công nghệ, phần mềm nhưng “chẳng được mấy ai tin”. Và giờ mọi mặt hàng, ngành nghề đều được số hoá, trong đó có nông nghiệp.

Trào lưu DN lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại DN vào hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myamar.

Sau DN của ông Đức, loạt tập đoàn khác như: Vingroup, Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập DN mới.

Phần lớn DN này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, quy tụ những tên tuổi DN hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, theo ông Cường, là hướng đi rất đúng đắn. 

Giữa năm 2020, trong một hội nghị trực tuyến bàn giải pháp vượt qua đại dịch do VIDA tổ chức, Hiệp hội này thậm chí đã nhận định “Covid-19 đem lại nhiều khó khăn nhưng là cơ hội để các DN nông nghiệp số hoá sản phẩm, biến nguy thành cơ”.  

Đại diện nhiều DN cho biết, do chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt từ trước nên khi xảy ra dịch sẽ không bị động và thiệt hại nhiều. Nhiều DN vẫn ghi nhận tăng trưởng, bí quyết là tập trung vào các khách hàng nhỏ, lẻ ở nước ngoài và áp dụng quản trị, công nghệ vào sản xuất ngay từ đầu.  

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, lúc này, các DN cải tổ lại hệ thống phần mềm, quản trị, số hoá sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc từng trang trại, từng sản phẩm mới có thể “thắng” khi đại dịch đi qua. “Những thứ không phù hợp phải cải tổ lại ngay, mới có thể thích ứng và bật dậy khi dịch bệnh đi qua”, đại diện một DN nói. 

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực… Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...

Thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. 

Tuy nhiên, để chuyển đổi số trong nông nghiệp, một lãnh đạo UBND Lâm Đồng, địa phương có ngành nông nghiệp phát triển, cho rằng các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có “tính thực tiễn cao” nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.

Chủ tịch VIDA Trương Gia Bình cho rằng, nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. “Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen và đó chính là số”, ông Bình nói. 

Theo ông Bình, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.

Ông Bình lấy ví dụ, trước nay nông dân Việt Nam thường đi bắt sâu, lúc chúng ta nhìn thấy thì bắt được, nhưng không bao giờ nhìn thấy hết. Để chọn cách an toàn, bà con phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của chúng ta bẩn hơn, giá thấp. Vậy thay đổi nó như thế nào? 

Ông Bình tự trả lời: “Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ, để có thể thả một máy bay không người lái bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì máy tính sẽ báo cho người nông dân biết, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”.

Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời cho họ tất cả những kiến thức cần biết.

Đọc thêm