Ứng dụng đột phá
Là đất nước có đông dân nhất thế giới, Trung Quốc trong những năm gần đây đã tích cực ứng dụng các công nghệ mới nhất trong việc quản lý xã hội. Ví dụ, thành phố Bắc Kinh đã phát triển một hệ thống nhận diện khuôn mặt trên toàn quốc bằng cách sử dụng các camera giám sát có thể nhận dạng được bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào chỉ trong vài giây, phục vụ cho việc đánh giá, xếp loại công dân dựa theo điểm tín nhiệm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã sử dụng học máy (machine learning) để đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào các dự án lớn ở bên ngoài. Một số công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như ZTE cũng đã giành được hợp đồng của Chính phủ để phát triển công nghệ blockchain nhằm ngăn chặn việc các tổ chức và cá nhân sửa đổi trái phép dữ liệu chính phủ.
Với dân số khổng lồ, Trung Quốc cũng là nước có bộ máy quản lý Nhà nước đồ sộ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong năm 2016, số người trong bộ máy chính quyền của Trung Quốc lên đến khoảng 50 triệu người.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, tổng số người trong biên chế bộ máy hành chính nhà nước của Trung Quốc phải lên đến khoảng 64 triệu người, gần bằng dân số nước Anh.
Để có thể kiểm soát nguồn nhân lực khổng lồ này, đảm bảo cho sự vận hành trơn tru của bộ máy nhà nước trong thời đại thông tin hiện nay, Chính phủ Trung Quốc trong những năm gây cũng đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc ứng dụng các công nghệ tinh vi vào hoạt động quản lý nhân sự của bộ máy.
Điển hình trong số này có thể kể đến việc thành phố Quý Châu, một hệ thống đám mây cũng đã được đưa vào sử dụng nhằm theo dõi “nhất cử nhất động” của tất cả các cảnh sát và báo cáo trực tiếp về hệ thống chỉ huy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian qua nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) vào việc cải cách chính phủ. Chỉ đạo này đã được giới chức Trung Quốc triển khai bằng việc phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chống tham nhũng có tên Zero Trust (tạm dịch Không tin tưởng bất cứ ai).
Đây là hệ thống do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các tổ chức kiểm soát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc phối hợp phát triển và triển khai nhằm theo dõi, đánh giá hoặc can thiệp vào công việc và đời tư của các công chức Trung Quốc, từ đó phát hiện sớm những biểu hiện bất thường của những người thuộc nhóm lãnh đạo xã hội này.
Được cấp quyền truy cập hơn 150 hệ thống cơ sở dữ liệu được bảo vệ khác nhau ở cấp độ chính quyền cả trung ương và địa phương làm cơ sở tham chiếu, hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo phức tạp Zero Trust sẽ đào xới toàn bộ hệ thống dữ liệu lớn thu được từ các ngân hàng, tài sản, hồ sơ xây dựng hoặc thậm chí là hình ảnh vệ tinh trước khi tiến hành phân tích hành vi của các đối tượng trong diện giám sát.
Theo những người phát triển chương trình, việc này cho phép hệ thống vạch ra được bản đồ về các mối quan hệ xã hội phức tạp, nhiều tầng, nhiều lớp để rút ra kết luận về hành vi của các quan chức.
Một nhà nghiên cứu tham gia phát triển và triển khai hệ thống cho biết, Zero Trust đặc biệt hiệu quả và hữu ích trong việc phát hiện những vụ chuyển nhượng tài sản đáng ngờ, xây dựng cơ sở hạ tầng hay mua gom đất, phá dỡ nhà...
Ngay khi những điểm bất thường được phát hiện như việc chuyển tiền có dấu hiệu đáng ngờ, mua nhà hay bất động sản nhưng được đăng ký dưới tên của gia đình hoặc bạn bè của một quan chức trong chính quyền, hệ thống sẽ tiến hành tính toán để tìm ra khả năng đây là một hành động tham nhũng. Nếu kết quả vượt qua điểm đánh dấu đã được thiết lập trước, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến các cơ quan chức năng.
Theo thống kê, kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2012 cho đến nay, Zero Trust đã giúp bắt giữ 8.721 nhân viên trong bộ máy công quyền tại Trung Quốc có các hành vi sai trái như tham ô, lạm quyền hay sử dụng trái phép tài sản công hay có hành động theo chủ nghĩa “gia đình trị”, cài cắm người nhà vào bộ máy…
Nhiều trường hợp trong số này đã bị kết án tù giam vì những sai phạm của mình nhưng hầu hết sau đó được kết luận là mới vi phạm ở mức độ nhẹ nên chỉ bị cảnh cáo và vẫn giữ được chức vụ.
Hiện tại, hệ thống Zero Trust đang được thử nghiệm giới hạn tại 30 quận và thành phố trên khắp Trung Quốc, chỉ chiếm 1% tổng các đơn vị hành chính trên khắp Trung Quốc. Đa phần các đơn vị này là các địa phương nằm ở xa trung tâm và thuộc những khu vực tương đối nghèo nàn, nơi việc giám sát của chính quyền địa phương và người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một nhà nghiên cứu tham gia vào dự án này cho biết, việc đưa vào sử dụng hệ thống theo dõi và phát hiện tham nhũng Zero Trust ở các nơi này còn nhằm tránh sự kháng cự quy mô lớn của các nhóm quan chức, đặc biệt là những người có quyền lực lớn, trong việc sử dụng hệ thống robot mạng vào việc quản trị.
Phát hiện điểm yếu hay quá sợ hãi?
Mặc dù tinh vi và đầy tiềm năng như vậy nhưng hệ thống Zero Trust cũng không hẳn là không có điểm yếu. Do nó chỉ có vai trò cảnh báo, việc kết luận một người có hành động tham nhũng hay không vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người.
“Trí tuệ nhân tạo có thể nhanh chóng chỉ ra một quan chức tham nhũng nhưng việc giải thích quá trình phân tích để đưa đến kết luận lại không được hoàn hảo như việc tổng hợp và phân tích. Chúng tôi chỉ sử dụng các kết quả do máy móc đưa ra như một tham chiếu, còn lại vẫn phải kiểm tra và xác minh tính đúng đắn của máy móc.
Dù hầu hết các trường hợp được phát hiện sau đó đều được chứng minh là đúng nhưng vẫn cần con người làm việc chặt chẽ với máy móc, trong đó kết luận cuối cùng vẫn phải do con người đưa ra”, một nhà phân tích giải thích.
Thêm vào đó, ở giai đoạn sau khi máy móc cảnh báo tới cơ quan chức năng về những hành vi đáng ngờ của một quan chức, người biết thông tin này hoàn toàn có khả năng phát tín hiệu cảnh báo tới quan chức bị nghi ngờ tham nhũng, khiến họ có cơ hội tránh được việc phạm phải các sai lầm lớn hơn đến mức không thể cứu vãn được hoặc thậm chí là xóa bỏ dấu hiệu phạm tội, gây khó khăn cho việc điều tra và kết luận sai phạm.
Hiện nay, một vài chính quyền cấp quận tại Trung Quốc đã tuyên bố ngừng sử dụng hệ thống này với lý do cảm thấy không thoải mái với công nghệ mới. Tuy vậy, có những ý kiến tỏ ra nghi ngờ rằng đó không phải là lý do thực sự mà nguyên nhân sâu xa của việc từ bỏ công cụ đắc lực Zero Trust là do nó quá hiệu quả, khiến nhiều người bị phanh phui sai phạm.
Một số quan chức cũng đã đặt câu hỏi về việc máy móc có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu nhạy cảm vì không có luật cũng như quy định nào cho phép làm như vậy.
Theo thống kê, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, hơn 1,4 triệu đảng viên và nhân viên chính phủ của Trung Quốc đã bị kỷ luật, bao gồm cựu quan chức an ninh Chu Vĩnh Khang và cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Ông Zhang Yi - một quan chức của cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Ninh Tường, tỉnh Hồ Nam – khẳng định, mục đích chính của chương trình không phải là để trừng phạt các quan chức mà là để cứu họ trong một giai đoạn đầu của tham nhũng.