Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, tác động và gây tổn thương lớn cho mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các cộng đồng dân cư và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Với sự tăng nhanh rủi ro do khí hậu gây ra ngày càng cao, các tổn thất và thiệt hại đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1992 và dự kiến các rủi ro đi kèm với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy… sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Trong hai thập kỷ (từ năm 1995 – 2016), thiên tai ở Việt Nam gia tăng và làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản khoảng hơn 6,4 tỉ USD.
Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu 2019 công bố tại Hội nghị Khí hậu Katowice/Ba Lan (COP 24) vào tháng 12/2018, năm 2017 Việt Nam xếp thứ 6 về rủi ro khí hậu. Việc gia tăng các tổn thất và thiệt hại kinh tế liên quan đến khí hậu làm cản trở các tham vọng phát triển bền vững, làm giảm xếp hạng tín dụng của các nước dễ bị tổn thương trước khí hậu và có thể dẫn đến giảm các mức đầu tư.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong chừng mực nào đó vẫn mang tính thụ động, chưa có những dự báo, định hướng trong tương lai cũng như thiếu những giải pháp căn cơ để khắc phục, đối phó với những hậu quả có thể xảy ra.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã thảo luận các vấn đề về bất cập trong văn bản ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các tổn thất và thiệt hại của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và vai trò của xã hội dân sự. Đồng thời, các phương pháp tiếp cận hiện nay và các phương án dự kiến trong tương lai về các công cụ tài trợ rủi ro để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Nhằm khắc phục những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch Mạng lưới Các tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam và Biến đổi khí hậu (VNGO&CC) đề nghị thời gian tới cần nâng cao kỹ năng, phương pháp tổ chức, triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cho cán bộ địa phương; hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham gia của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và người dân.
Cùng với đó, vận động lồng ghép hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cho rằng biến đổi khí hậu tác động mạnh đến quá trình phát triển các quốc gia trên thế giới, ông Phạm Hữu Duệ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Văn phòng Quốc hội kiến nghị cần có sự chung tay của tất cả cộng đồng. Cũng bởi vì nhóm người nghèo là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cuộc sống và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa.
Do vậy, theo ông Duệ cần có nhiều giải pháp về quản lý nhà nước trong ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như: Giáo dục, huấn luyện, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, cộng đồng; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan và các tổ chức quốc tế để bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới, giảm thiểu phát thải khí nhà kính…