Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và công tác chỉ đạo của Ban.
Thiệt hại trên 5 nghìn tỉ đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 13/4/2016, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL là rất nghiêm trọng với tổng thiệt hại ước tính khoảng 5.161 tỉ đồng. Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các bộ, ngành liên quan và cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, chỉ đạo kịp thời hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Tăng cường hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; hướng dẫn việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng đặc biệt là với khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, các bộ, ban, ngành, đoàn thể cũng cần tập trung đảm bảo lương thực và nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua với giá cao.
Bộ sẽ phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ, đồng thời tập hợp các ý kiến đề xuất Chính phủ hỗ trợ bổ sung thiệt hại do thiên tai gây ra cho các địa phương ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập.
Nhận định trong những tháng tới, diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, Đại tá Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, Uỷ ban đang đề nghị Chính phủ cấp ngân sách để Bộ Quốc phòng và Ủy ban mua các loại xe xi téc từ 5 đến 10 mét khối, mua tàu chuyên dụng và các loại bồn chứa cao su, nhựa để chứa và vận chuyển nước sạch cho nhân dân vùng hạn, mặn xâm nhập, thiếu nước sinh hoạt. “Phần tổ chức sản xuất là do ngành nông nghiệp địa phương làm chủ lực, nhưng về phần cấp nước cho nhân dân các địa phương phải xác định rõ trong kế hoạch do lực lượng quân đội là nòng cốt”- Đại tá Nghĩa khẳng định.
Mỗi xã có một mô hình cộng đồng tôn giáo bảo vệ môi trường
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu đã tổ chức cuộc họp triển khai Chương trình hoạt động giai đoạn 2016-2020.
Mục đích của Chương trình phối hợp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của các chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu ở mỗi địa bàn dân cư và trong cả nước phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, từng địa phương… Đáng chú ý, Chương trình phối hợp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện các biện pháp BVMT và thân thiện với môi trường trong các quy trình sản xuất, tổ chức cuộc sống.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chương trình phối hợp sẽ triển khai ở 3 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã, phường. Mục tiêu đến năm 2020, có trên 80% chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo có hiểu biết và tích cực tham gia Chương trình phối hợp; mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một mô hình cộng đồng tôn giáo thực hiện BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Văn Phú Chính, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, Trung ương và các địa phương cũng đã hỗ trợ 1.048 tỷ đồng, 5.221 tấn gạo cho các vùng bị ảnh hưởng. Hiện các địa phương đề nghị hỗ trợ 4.020 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ lâu dài 15.198 tỷ đồng; 12.064 tấn gạo, 12.060.000 viên Aquatabs (viên khử khuẩn làm sạch nước), 2.024 thiết bị lọc nước, 15.692 thiết bị và 6.800 can chứa nước…