Xin ông cho biết tiến trình và kết quả thực hiện BCTN về BĐKH tại Việt Nam, Chủ đề Báo cáo số 1: “Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Góc nhìn từ cộng đồng”?
BĐKH toàn cầu đã và đang gây ra những tác động khó lường đối với con người, môi trường và hệ sinh thái. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2010), Việt Nam xếp trong số 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới dễ bị tác động bởi BĐKH. BĐKH được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển có thể làm đảo lộn sự tiến bộ của con người và kinh tế. Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Vị trí địa lý, địa hình phức tạp và bờ biển dài làm của Việt Nam làm cho Việt Nam là một trong những nước dễ bị thiên tai trên thế giới. BĐKH dẫn đến những thảm họa nghiêm trọng hơn và khó dự đoán hơn, sẽ gây tổn hại cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Ứng phó với BĐKH đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam.
Báo cáo thường kỳ BĐKH Việt Nam là các báo cáo do LHH chủ trì, Viện AMDI điều phối và thực hiện hàng năm nhằm tổng kết những khó khăn, cơ hội và thách thức của Việt Nam trước những tác động của BĐKH toàn cầu, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số chuyên đề chuyên môn sâu theo Chủ đề của cuộc họp hàng năm COP của UNFCCC. Các chủ đề về BĐKH được lựa chọn sẽ là những vấn đề quan trọng của năm đó và/hoặc có vai trò quan trọng trong những năm tới. Quan trọng hơn, các vấn đề được đặt trong một mục tiêu chung là tìm kiếm và xây dựng một triết lý phát triển dài hạn cho Việt Nam. Do tính chất đặc thù đó, hàng năm, các vấn đề này được nhóm tác giả lựa chọn trên cơ sở tham khảo ý kiến của giới chuyên gia về môi trường, khí tượng-thủy văn, xã hội học, kinh tế, v.v. trên một cơ sở rộng rãi và khoa học.
Mục đích của đề án Báo cáo thường niên về Biến đổi khí hậu là xây dựng một báo cáo khoa học độc lập có uy tín, cung cấp thông tin đa chiều, đa dạng, có ý nghĩa tham khảo sâu rộng và đưa ra các đề xuất phù hợp về chính sách cho Việt Nam. Đối tượng sử dụng Báo cáo hướng tới là các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam; các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế; các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; các cán bộ của các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Sau hơn 6 tháng thực hiện, đến nay Khung của Báo cáo thường niên đã được thống nhất với các bên tham gia, các tác giả và nhóm tác giả đối với từng tiều chủ đề của Báo cáo số 1 đã được lựa chọn. Ban biên tập gồm GS. TSKH. Trương Quang Học, ThS. Ngô Công Chính và các nhà khoa học có uy tín về BĐKH đã được thành lập. Đến hết tháng 12 năm 2015, đã có 5 nhóm tác giả gửi bài. Hiện chúng tôi đang đôn đốc các tác giả khác sớm gửi bài viết để Ban biên tập hoàn thành dự thảo Báo cáo số 1 năm 2016. Dự kiến Quý 3 năm 2016, bản thảo của Báo cáo sẽ được công bố để các bên liên quan và công chúng góp ý trước khi phát hành.
Trong quá trình thực hiện, AMDI và cá nhân ông có gặp khó khăn gì không?
Đây là một Đề án mới, thú vị song cũng rất nhiều thách thức vì đây là lần đầu tiên Viện AMDI, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập ở Việt Nam cùng các tổ chức thành viên của LHH chung tay xây dựng Báo cáo thường niên về BĐKH. Nhóm biên tập mặc dù là những chuyên gia hàng đầu về BĐKH ở Việt Nam song vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các báo cáo độc lập về chủ đề này. Hơn nữa, chủ đề BĐKH vẫn còn là khá mới mẻ tại Việt Nam, mặc dù đã có sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng, song những kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng vẫn còn hạn chế; nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu sâu và mang tính hàn lâm vẫn còn rất ít so với các quốc gia phát triển. Mặc dù vậy, Viện AMDI được sự ủy quyền của LHH cũng đã rất mạnh dạn đề xuất và triển khai sáng kiến này. Bên cạnh đó, việc hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính của Đề án cũng là những khó khăn đối với Viện AMDI và Ban biên tập trong triển khai các hoạt động tiếp theo của Đề án như: viết bài, tổ chức hội thảo, tham vấn các chuyên gia và cơ quan hoạch định chính sách… Hy vọng rằng, với việc quảng bá rộng rãi thông tin về Báo cáo BĐKH thường niên này, chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của các bên liên quan, các nhà khoa học, các nhà tài trợ để Ban biên tập có thể đạt được mục tiêu đề ra đến Quý 3 năm 2016 sẽ có Dự thảo báo cáo quan trọng này.
Ông có thể nói cụ thể hơn vể chủ đề này?
Báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu (BĐKH) là một ấn phẩm quan trọng một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia trên thế giới đã xuất bản hàng năm. Ví dụ như: Các báo cáo định kỳ của Nhóm công tác về BĐKH (IPCC) của Cơ quan của UNFCCC được thực hiện bởi một nhóm đông đảo các nhà khoa học hàng đầu thế giới; Báo cáo hàng năm về BĐKH của Chính phủ Australia do Bộ Môi trường thực hiện; các Báo cáo chuyên đề của Ngân hàng Thế giới, v.v.
Mỗi tổ chức quốc tế, mỗi quốc gia có thể có nhiều báo cáo, không hạn chế và do các tổ chức khác nhau thực hiện. Tuy nhiên, tuỳ theo uy tín của các tổ chức xuất bản và chất lượng nội dung của báo cáo, có những báo cáo có giá trị tham khảo cao và gây được nhiều ảnh hưởng. Những báo cáo này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững của quốc gia và là một ấn phẩm được các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và toàn xã hội đón nhận rộng rãi.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số báo cáo như: “Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng” năm 2009 và cập nhật năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Các báo cáo chuyên đề của UNDP tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và một số cơ quan khác của Chính phủ như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ,…Đây là những báo cáo có giá trị tham khảo cao, với số liệu được cập nhật chi tiết và hệ thống. Tuy nhiên, các báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của môi trường và khí hậu trong một cấu trúc tương đối ổn định, phương pháp tiếp cận từ trên xuống, chưa có sự tham gia rộng rãi của giới chuyên môn và các tổ chức ngoài công lập, và cộng đồng.
Thêm vào đó, đa phần các báo cáo này đều do các cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc tổ chức quốc tế xây dựng, mà không phải do một tổ chức nghiên cứu độc lập trong nước nghiên cứu và xuất bản. Trước tác động của BĐKH, cộng đồng trong đó đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương là những đối tượng sẽ bị tác động nặng nề nhất trước tác động của BĐKH.
Hiện nay các báo cáo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam về BĐKH mới chỉ tập trung về mặt chính sách và với phương pháp và cách nhìn từ trên xuống. Báo cáo BĐKH thường niên này sẽ đưa ra một phương pháp tiếp cận độc lập, từ dưới lên, đưa ra những đánh giá, nhận định và đề xuất từ chính những cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất; thảo luận những vấn đề chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, các nhà nghiên cứu và cộng đồng.
Báo cáo số 1 năm 2016 “Biến đổi khí hậu Việt Nam: góc nhìn từ cộng đồng” bao gồm các nội dung: Phần I: Tổng quan về BĐKH trên thế giới; Tổng quan về BĐKH ở Việt Nam. Phần II. Cộng đồng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam; Phần III. Tầm nhìn/triển vọng cho tương lai.
Với vai trò là một Báo cáo sẽ có tiếng nói độc lập, liệu Ban biên tập có chịu sức ép gì từ Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan chính phủ?
Không, chúng tôi là cơ quan thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là tiếng nói khoa học, và có năng lực rất tốt để thực hiện Đề án này. Bước đầu Viện AMDI đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ về mặt chủ trương, ngân sách và chỉ đạo thực hiện của LHH; sự tham gia và cỗ vũ của các tổ chức quốc tế và trong nước, các nhà nghiên cứu và cộng đồng.
Chúng tôi hy vọng rằng khi Dự thảo báo cáo hoàn thành, chúng tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến phản biện và góp ý để hoàn thiện hơn Báo cáo số 1 này và chuẩn bị cho các Báo cáo các năm tiếp theo. Dự kiến hàng năm Viện AMDI và LHH sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp với tình hình BĐKH, ưu tiên về chính sách toàn cầu và Việt Nam về BĐKH để đưa ra chủ đề và đề cương cho từng báo cáo nhằm mang lại cho độc giả những kết quả, phương pháo tiếp cận và kiến thức mới nhất về BĐKH.
Xin cảm ơn ông!